Mới đây trên mạng xã hội, một tài khoản có tên Kolyvind Kolas đăng tải bức ảnh nhóm thanh niên đang ôm một chú rùa để chụp ảnh với câu hỏi “Bức ảnh có màu gì?”.
Ngay sau đó, bức ảnh thu hút sự chú ý trên khắp các diễn đàn mạng. Hầu hết mọi người nhìn thấy nhiều màu như đỏ, xanh, vàng... hội tụ trong bức ảnh. Bên cạnh đó, một số lại chỉ nhìn thấy những gạch màu và hình ảnh tuyệt nhiên chỉ có trắng, đen và xám.
“Thoạt đầu nhìn sẽ tưởng là nhiều màu nhưng khi nhìn kỹ lại chỉ một màu xám”; “Nếu nhìn ra được nhiều màu chúc mừng bạn gia nhập số đông bình thường. Còn nếu chỉ nhìn thấy 1, 2 màu, hoặc là bạn phi thường, hoặc là bạn bất thường”; "Tôi thấy rõ màu vàng, màu đỏ và màu xanh mà không thể là đen trắng được", là những bình luận, ý kiến của dân mạng.
Theo Kolyvind Kolas, những bức hình được anh chia sẻ hoàn toàn là ảnh trắng đen. Bên cạnh đó, anh vẽ thêm các đường màu lên bức ảnh.
"Hình ảnh là thử nghiệm về độ tương phản màu sắc. Một lưới màu được phủ lên bức ảnh có màu xám thuộc nhiều cấp độ đậm nhạt. Bộ não chúng ta bị đánh lừa và tự lấp đầy các ô màu xám bằng các mảng màu khác nhau mặc dù chúng không có ở đó", người này viết.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện bức ảnh khiến cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa và chưa có hồi kết. TS David Novick, ĐH Texas (Mỹ) từng chia sẻ lên trang cá nhân một bức hình về hai quả bóng tennis khiến dân mạng "chia phe" trong nhiều ngày.
Hầu hết mọi người đều nhìn thấy hai quả bóng có màu khác nhau nhưng thực tế chúng lại mang màu sắc giống hệt nhau. Chính những chấm bi có màu thay đổi phía trên hai trái bóng đã "lừa" thị giác mọi người.
Bình luận