• Zalo

Tranh cãi 'xóa sổ' môn Lịch sử, Bộ trưởng Luận phân trần

Giáo dụcThứ Hai, 16/11/2015 03:18:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời băn khoăn của đại biểu Quốc hội trước thông tin môn Lịch sử sẽ trở thành môn học tích hợp

(VTC News) - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời băn khoăn của đại biểu Quốc hội trước thông tin môn Lịch sử sẽ trở thành môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sáng 16/11, Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi chất vấn về việc tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Lai cho biết đã có gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục và rất quan tâm tới vấn đề của ngành.Gần đây dư luận xáo động tận tâm can về một vấn đề rất nhạy cảm, đó là sự thay đổi cách dạy bộ môn Lịch Sử.
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt câu hỏi cho bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đặt câu hỏi cho bộ trưởng Phạm Vũ Luận 
"Trước sự phản ánh mạnh mẽ của dư luận xã hội, Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn tính ưu việt của nó? Bộ trưởng có dự định gì hoặc hoãn chủ trương thay đổi chủ trương giảng dạy môn Lịch Sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp không?”, đại biểu Lê Văn Lai nêu câu hỏi.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Lai cũng nhấn mạnh: “Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, dư luận thời gian qua rất quan tâm đến môn Lịch sử vì không thấy tên trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Môn Lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới không bị coi nhẹ và tôi khẳng định được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành”, Bộ trưởng Luận nêu quan điểm.

Ông Luận cũng thông tin hiện nay, học sinh THPT được học 1,5 tiết học Sử/ tuần. Trong chương trình mới, học sinh không học chuyên ban Khoa học Xã hội thì học 2,5 tiết Sử/tuần. Những học sinh theo chuyên ban Khoa học Xã hội được học 4 tiết/tuần.

“Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên trong chương trình giáo dục phổ thông mới”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu Quốc hội chiều 16/11 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu Quốc hội chiều 16/11 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bên cạnh đó, ông Luận cũng lý giải lý do đưa môn Lịch sử tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc.

Trước hết, do chủ trương tích hợp. Ngoài ra, trong luật giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Vì vậy, Bộ đưa Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc để tránh trùng lắp”, Bộ trưởng Luận lý giải.

Ngoài các nội dung Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc, trong các môn học khác Bộ  dự kiến đưa giảng dạy Lịch sử vào giảng dạy lồng ghép trong môn Văn học, Địa lý, Âm nhạc…

“Ví dụ giảng bài Bình ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập mà không gắn lịch sử thì các cháu không hiểu. Dạy bài hát Câu hò bên bến Hiền lương không gắn với lịch sử thì các cháu không thể rung động”, Bộ trưởng Luận dẫn chứng.

“Nói tóm lại, Bộ không hề coi nhẹ môn Lịch sử”, Bộ trưởng Luận khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Luận cho rằng vấn đề hiện nay cần thảo luận để riêng môn Lịch sử một cách độc lập hay gắn bó với các môn khác trong môn tích hợp

Ngay sau đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhăc lại câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai và đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm của mình về việc nên để môn Lịch sử là môn tích hợp hay độc lập.

Trả lời thêm vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho biết ban soạn thảo lắng nghe ý kiến người dân sẽ có báo cáo với Ban Tuyên giáo trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội và các hiệp hội.

“Còn quan điểm của chúng tôi là nếu tích hợp là nhẹ, không thể làm tăng được thì không tích hợp. Còn nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia giáo dục và chuyên gia lịch sử để có kết luận cuối cùng”, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.


Sau trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Đại biểu Lê Văn Lai tiếp tục bấm nút trao đổi lại.

Đại biểu Lai nói: “Bộ trưởng có nêu vấn đề thời lượng dạy môn Lịch sử, nhưng tôi nghĩ là thời lượng tiến hành dạy môn Lịch sử chỉ là một khía cạnh, còn những yếu tố quan trọng hơn: Ai? Thầy giáo nào có thể dạy theo kiểu tích hợp?

Việc chuẩn bị của Bộ Giáo dục thế nào quyết định cho việc dạy tích hợp này? Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị này, cho nên đồng bào, phụ huynh học sinh, kể cả các nhà khoa học thiếu tin tưởng vào chủ trương này”.

Ông Lai phân tích khi môn Lịch sử được dạy một cách độc lập, có hệ thống, có thầy giáo chuyên ngành theo chương trình truyền thống mà môn Lịch sử vẫn có nhiều hạn chế bộc lộ rất rõ.

“Bây giờ liệu rằng chuyển qua cách dạy mới thì có đảm bảo nâng cao được chất lượng dạy và học không?”, đại biểu Lê Văn Lai đặt câu hỏi.

Vì vậy, ông Lai cho rằng việc tích hợp môn Lịch sử chắc chắn là rất khó. “Bây giờ ta chưa có sự chuẩn bị gì cả về mặt đội ngũ lại làm một việc rất mới chưa có tiền lệ thì tôi rất băn khoăn”, ông Lai nêu ý kiến.



Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn