Tâm sự mới đây của một cô gái trẻ về chủ đề chi tiêu trong gia đình đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều chị em. Thế mới biết, đây không phải vấn đề của riêng ai cả.
Không biết xử lý thế nào khi chồng cứ đòi nộp hết lương của mình cho mẹ sau cưới? Ảnh minh họa.
“Em quen chồng sắp cưới tính đến bây giờ cũng gần 4 năm rồi, dự định tháng 12 này sẽ làm đám cưới. Em cũng về quê chồng sắp cưới ra mắt mấy lần rồi. Em thấy mẹ chồng tương lai có vẻ hiền lành, dễ chịu bởi mỗi lần em về chơi bà tỏ ra rất quý mến. Thỉnh thoảng anh ấy về quê bà còn gửi trái cây, đồ ăn vặt lên cho em nữa.
Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu như hôm qua chồng sắp cưới không bàn đến chuyện đưa tiền cho mẹ anh ấy giữ. Anh ấy bảo giờ 2 đứa còn trẻ, lại chưa muốn có con ngay nên hàng tháng lương em được 10 triệu thì dùng chi tiêu, sinh hoạt cho 2 vợ chồng trên này (nhà đi thuê). Còn lương anh ấy được 14 triệu thì gửi về quê cho mẹ giữ hộ 10 triệu, 2 triệu để tiêu vặt, 2 triệu sẽ đưa cho vợ giữ đề phòng có gì phát sinh.
Lúc đầu em không đồng tình với dự định ấy nhưng chồng sắp cưới cứ tỉ tê 2 vợ chồng trẻ giữ nhiều tiền trong nhà lại tiêu xài hoang phí, gửi về mẹ giữ cho chắc. Mẹ cũng chỉ cất hộ chứ mẹ có lương hưu tiêu gì đến tiền của mình.
Có lần nghĩ lại, em bàn với anh, lập gia đình rồi thì vợ chồng tự bảo nhau quản lý tiền bạc cho chủ động. Thỉnh thoảng biếu mẹ một chút gọi là thôi. Chẳng may có việc gì cần nhiều tiền lại phải chìa tay ra hỏi mẹ chồng sao. Thế là anh mắng em chưa về làm dâu đã có suy nghĩ ích kỷ. Mẹ cầm thì cũng giữ cho con chứ đi đâu mà thiệt. Phải nói thêm chồng em là con một trong nhà.
Theo các chị, giờ em phải làm gì để không làm mất tình cảm hai đứa mà mọi việc vẫn ổn thỏa đây?”
Hầu hết các bình luận đều tỏ ra thông cảm với suy nghĩ của bạn nữ trên vì họ…cũng đã từng ở trong hoàn cảnh này một đôi lần rồi.
Nhiều chị em phán đoán, đây có thể là “âm mưa đen tối” của mẹ chồng. Việc chàng trai sắp xếp tiền nong theo kiểu lương vợ để tiêu còn lương chồng lại đưa cho mẹ có gì đó bất thường.
Nickname banbuonquanao chia sẻ: “Em nghĩ kiểu này là mẹ bạn trai tác động rồi. Chứ bản thân em con gái còn chả nghĩ tới chuyện đưa tiền mẹ giữ hộ huống chi con trai. Em nghĩ nên nói rõ quan điểm từ đầu sẽ dễ hơn. Chứ sợ nhất gửi về thì dễ, sau có việc gì cần luôn lấy ra khó”.
Đa số bình luận đều đều khuyên cô gái dù có thế nào cũng không nên đưa tiền tiết kiệm cho mẹ chồng giữ hộ. “Đồng tiền đi liền khúc ruột” làm như thế kiểu gì cũng phát sinh mẫu thuẫn về sau.
Nickname sumo bình luận: “Đúng là vợ chồng trẻ cần tiết kiệm nhưng thiếu gì cách tiệt kiệm mà phải gửi về cho mẹ chồng ở quê. Gửi ngân hàng còn lời lãi nữa. Nói thì bảo dở miệng, đưa mẹ chồng giữ tiền nhỡ may bố mẹ mình có ốm đau, cần tiền hỗ trợ từ con gái chẳng nhẽ lại gọi điện về cho mẹ chồng xin lại tiền để con gửi về cho bố mẹ con à.”
Rất nhiều chị em đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này
Nhiều người lại có cái nhìn thoáng hơn và mỗi người lại có cách ứng xử linh hoạt nếu rơi vào tình huống này.
Nickname quech2903: “Cái nào cũng có lợi có hại. Để bà giữ phần ít thôi, sau này có gì thiếu còn có thể quay sang hỏi chỗ tiền ấy. Cũng gọi là phòng hờ. Hoặc lỡ bà cần gì gấp bệnh tật hay gì cũng có cái để bà xoay kịp thời. Lại đỡ phải quá cương quyết với bà chuyện tiền bạc nhạy cảm. Theo mình là vậy.”
“Gửi tiền mẹ chồng cũng đúng lẽ bởi con gái đi lấy chồng thì theo chồng.” (nickname hienland).
Các chị em cũng dựa vào kinh nghiệm thực tế của chính mình để đưa ra lời góp ý hợp tình hợp lý, đẹp cả đôi đường cho cô gái trên.
Nickname tubepT chia sẻ: “Theo mình cách hay nhất để đẹp lòng cả hai bên, và cũng là để phòng sau này có lúc cơm chẳng lành là: Gộp chung tất số tiền hai vợ chồng kiếm được hàng tháng: 10 + 14 = 24 triệu. Sau đó mới chia ra thành các khoản: Khoản tiền nhà + tiền ăn tiêu + tiền phòng thân. Số còn lại sẽ đưa mẹ giữ hộ. Như vậy tiền mẹ giữ hộ là tiền của cả hai, không phải tiền của riêng chồng".
Video: Người Việt bị soán ngôi tiết kiệm nhất thế giới
Cuối cùng, mọi người cùng đưa ra kết luận rằng, đi làm dâu không giống như khi ở nhà mình. Việc dâu mới về nhà chồng chắc hẳn sẽ còn nhiều bỡ ngỡ. Do đó, nàng dâu nên dành thời gian tìm hiểu thêm về nếp sống gia đình chồng.
Nếu mẹ chồng thường xuyên giữ tiền của anh ấy với mục đích tốt thì chúng ta nên thông cảm bởi đạo làm con cần có trách nhiệm với gia đình. Trừ khi vợ chồng ở riêng mà chồng không có trách nhiệm với vợ con thì lúc đó sẽ cần có cách xử lý khác.
Song, dù có thế nào con dâu cũng không được nói trực tiếp với bố mẹ chồng mà có gì thì bàn luận thẳng thắn với chồng để thống nhất. Hãy thật khéo léo chia sẻ cảm xúc của mình để anh ấy hiểu mọi quyết định cần có sự độc lập hơn khi đã có gia đình. Việc thay đổi này không thể ngay lập tức mà cần có thời gian và cả sức mạnh của tình yêu nữa.
Bình luận