Sau khi Hà Nội điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021, nhiều phụ huynh vẫn phản đối và cho rằng quy định thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hộ khẩu sẽ làm mất cơ hội của những học sinh giỏi.
Cô Nguyễn Bích Liên, trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, không có chính sách mới nào có thể làm thỏa mãn được hết tất cả các đối tượng. Quan trọng, chính sách đó tạo ra được sự công bằng, cân bằng và phát triển toàn diện cho toàn xã hội, chứ không phải chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng.
Hầu hết các phụ huynh than thở, phản đối chính sách đều là những người đặt nhiều kỳ vọng cho con vào các trường THPT công lập top đầu của Hà Nội. Còn lại, đa phần phụ huynh khác đều đồng tình.
Theo cô Liên, đây là chính sách tốt giúp điều phối, tránh trường hợp một lượng lớn học sinh đổ dồn về các trường được cho là có chất lượng tốt hơn. Ngược lại, có trường lại thiếu học sinh trầm trọng.
Điển hình kỳ thi vào lớp 10 năm 2020, trường THPT Kim Liên có điểm chuẩn cao nhất 41,25 điểm (trung bình hơn 8 điểm/môn) trong khi đó, trường THPT Đại Cường điểm chuẩn thấp nhất 12,50 điểm (trung bình 2,5 điểm/môn).
Sở dĩ có mức độ chênh lệch lớn là do các thí sinh giỏi dồn về các trường trung tâm, trường top đầu, còn học sinh trung bình lại dồn chung vào một trường. Cứ như vậy, một năm, hai năm, 5 năm hình thành sự phân hoá trường top đầu, top cuối rõ rệt.
Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, nếu cố nhồi nhét, ôn tập ngày đêm để con thi vào những trường toàn các bạn giỏi, trong khi lực học, tố chất của con lại đuối hơn thì trẻ rất dễ tự ti. Phụ huynh nào cũng có kỳ vọng mong con phát triển, nhưng đừng vì thế mà bắt con chạy đua vào trường chuyên lớp chọn.
"Chất lượng học tập của chính học sinh quan trọng hơn danh tiếng của trường. Nếu học sinh thực sự giỏi thì học ở đâu, trong môi trường nào các em cũng là người giỏi", cô Liên khuyên phụ huynh.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho rằng, những năm trước, tuyển sinh lớp 10 có quy định về khu vực tuyển sinh, học sinh hộ khẩu ở đâu sẽ đăng ký ở đó, các em vẫn có thể điều chỉnh khu vực tuyển sinh theo mong muốn để thuận tiện cho việc đi lại và nhu cầu học tập.
Ví dụ, thí sinh có hộ khẩu tại quận Hoàn Kiếm, nhưng nhà ở quận Nam Từ Liêm, thì vẫn có thể đăng ký vào trường ở quận Nam Từ Liêm. Việc tự do chọn trường này là một phần nguyên nhân dẫn đến việc mất cân đối giữa các khu vực tuyển sinh.
Khi chọn trường cho con, phụ huynh luôn có tâm lý so sánh quận này quận kia có trường tốt hơn. Thậm chí có nhiều người còn định kiến "bụt chùa nhà không thiêng" cho con đi học những trường quận trung tâm mới là giỏi, là tốt. Nhưng thực tế chất lượng các trường hiện nay gần như tương đương nhau về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Do vậy, quy định mới của sở đưa ra nhằm cân đối giữa các khu vực, tránh tình trạng nơi quá tải, chỗ thiếu thí sinh.
Không đồng tình với quy định tuyển sinh mới của Sở GD&ĐT Hà Nội, TS Nguyễn Văn Công, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách tuyển sinh này có thể thuận lợi cho việc tổ chức thi, nhưng sẽ khiến nhiều em học sinh giỏi mất đi cơ hội được học ở các trường top đầu.
Như mọi năm, thí sinh nào giỏi thi vào trường top đầu, học lực khá, trung bình sẽ thi vào các trường có điểm chuẩn giảm dần trong toàn thành phố, phân tầng rõ rệt.
Còn theo quy định mới, chỉ chia theo quận, huyện, nhiều em học lực rất giỏi vẫn sẽ phải chấp nhận học trường làng nhàng chỉ vì lý do hộ khẩu. Điều này, không những làm mất cơ hội của các học sinh giỏi mà các trường THPT công lập top cuối cũng mất đi sự phấn đấu.
Trước kia, muốn giữ học sinh giỏi, trường buộc phải nâng cao chất lượng, nếu không học sinh giỏi sẽ sang quận, huyện khác. Giờ đây, các trường top cuối không cần cố gắng nữa vì đương nhiên học sinh giỏi ở địa phương không thể chạy sang nơi khác. Trong khi đó, các trường top đầu lại phải nhận cả học sinh yếu kém. Điều này liệu có đi ngược với định hướng chú trọng phát triển, bồi dưỡng giáo dục mũi nhọn.
Vị chuyên gia này cho rằng, thi vào lớp 10, đồng nghĩa các em đã đủ 16 tuổi, bắt đầu được công nhận là công dân. Khi đã là công dân thì phải tự chịu trách nhiệm với sự nỗ lực và phấn đấu của bản thân, học tập nghiêm chỉnh ở các trường THPT công lập hoặc đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Nếu đã nói đến sự công bằng, thì ai giỏi có quyền học trường tốt, đó mới là quy luật.
Bình luận