(VTC News) - Tên gọi của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang trở thành chủ đề tranh luận của chính phủ các nước, về việc cho phép truyền thông gọi nhóm khủng bố khét tiếng này theo tên nào.
Gần đây, Thủ tướng Anh David Cameron và chính phủ Ấn Độ đều nhắc nhở các nhà báo về việc sử dụng tên gọi của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Các chiến binh IS |
Nhóm khủng bố này ban đầu được thành lập với tên ISI (Islamic State of Iraq ) - quốc gia Hồi giáo Iraq.
Sau đó được đổi tên thành ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) hoặc ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận đông).
Tiếp sau đó, thủ lĩnh al-Baghdadi của nhóm khủng bố này tuyên bố xây dựng ‘Nhà nước Hồi giáo’ với cái tên IS (Islamic State) với mong muốn thực hiện giấc mơ ‘lý tưởng tôn giáo thống trị và hợp nhất toàn cầu’.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Cameron nói trên chương trình phát thanh của đài BBC rằng đài này không nên dùng cái tên IS để chỉ nhóm khủng bố này vì nó ảnh hưởng đến các tín đồ Hồi giáo nói chung.
‘Tôi hy vọng BBC không dùng tên Nhà nước Hồi giáo (IS). Đó chỉ là một chế độ cai trị man rợ, xuyên tạc đạo Hồi và nhiều tín đồ Hồi giáo theo dõi chương trình của đài sẽ phải giật mình thon thót khi biên tập viên nhắc đến hai từ này’, ông Cameron nói.
Video: 60 giây kinh hoàng trong một năm IS lộng hành
BBC đã từ chối yêu cầu của Thủ tướng Anh. Sau đó, 120 nhà lập pháp bao gồm cả thị trưởng London cũng kêu gọi BBC và các đài khác ngừng sử dụng tên IS để gọi nhóm khủng bố này.
Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo phương Tây lại gọi nhóm khủng bố này là Daesh, tên viết tắt bằng tiếng Ả Rập của IS. Thuật ngữ này dịch sang tiếng Anh là Islamic State of Iraq and the Levant (Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận đông).
Daesh cũng phát âm tương tự với một từ ngữ tiếng Ả Rập có nghĩa là ‘kẻ gây bất hoà’.
Giám đốc Diễn đàn các mối quan hệ Hồi giáo của Australia, Kuranda Seyit, nói rằng đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp cho cộng đồng người Hồi giáo, các phương tiện truyền thông và chính phủ các nước.
Còn ở Ai Cập, các nhà lãnh đạo đang thúc đẩy thông qua dự luật chống khủng bố mới. Theo đó, các nhà báo sẽ bị phạt tù 2 năm nếu làm trái với quy định của chính phủ khi đưa tin về các cuộc tấn công.
Nước này cũng vừa đưa ra hướng dẫn mới về việc sử dụng tiếng anh cho truyền thông nước ngoài để tránh việc đánh đồng các nhóm vũ trang là ‘Islamist’ (Hồi giáo) hoặc ‘jihadist’ (Thánh chiến).
Minh Lý (Theo ABC News)
Bình luận