• Zalo

Tranh cãi tác quyền về việc tái bản 'Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi'

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 24/03/2015 03:08:00 +07:00Google News

'Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi' - bộ sách dành cho tuổi teen - vừa tái bản đã bị các tác giả lên tiếng về chuyện tác quyền.

'Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi' - bộ sách dành cho tuổi teen từng làm mưa làm gió trên thị trường - vừa tái bản đã bị các tác giả lên tiếng về chuyện tác quyền. 

Năm 2011 và 2012, bộ sách Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi được báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò phát hành. Bộ sách gồm 9 cuốn được thực hiện như một đặc san kỷ niệm 20 năm thành lập báo.

Series sách tập hợp các truyện ngắn đã đăng trên tờ báo này của các tác giả như Phạm Công Luận, Trang Hạ, Phan Hồn Nhiên, Hoàng Anh Tú, Ploy Ngọc Bích, Minh Nhật, Phan Ý Yên...

Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi
tạo nên một hiện tượng xuất bản, với 72.000 cuốn được đăng ký mua trước khi phát hành, 50.000 cuốn bán hết chỉ trong tuần đầu ra mắt.


Tháng 2/2015, Phương Nam Book cho tái bản bộ sách theo hợp đồng chuyển nhượng quyền xuất bản với Trung tâm Khai thác Bản quyền và Xuất bản thuộc báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa học Trò.

Ba tập đầu của bộ sách đã được phát hành, gồm: Như chờ tình đến rồi hãy yêu, Lắng nghe lời thì thầm của trái tim, Trái tim tỉnh thức.

hãy nói yêu thôi đừng nói yêu mãi mãi
Bìa ba cuốn trong bộ sách "Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi" tái bản năm 2015.
Mới đây, hai tác giả Ploy Ngọc Bích và Minh Nhật có truyện ngắn in trong ba tập sách tái bản của Phương Nam Book đã có những thắc mắc về tác quyền.

Ploy Ngọc Bích cho biết, trong ba tập sách tái bản, mỗi tập có hai truyện của cô. Trước đây cô chưa có bất cứ hợp đồng chuyển nhượng bản quyền nào cho Trung tâm Khai thác Bản quyền và Xuất bản. Ploy Ngọc Bích khẳng định: “Việc làm này là hành động của con buôn, mờ ám, ăn cắp chất xám. Nếu muốn tái bản thì việc đầu tiên phải nói với tác giả mới đúng”. 


Tác giả Minh Nhật cũng chia sẻ trạng thái trên trang cá nhân: “Bộ sách từng là tâm huyết của rất nhiều tác giả. Và khi tái bản, tác giả là người cuối cùng hay chuyện”.

Trước các thắc mắc trên, bà Ngân Hoa - người phụ trách truyền thông công ty Phương Nam Book - nói: “Phương Nam Book thực hiện bộ sách này theo hợp đồng hợp tác bản quyền (chuyển nhượng quyền xuất bản, quyền phát hành) với báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò. Đây là bộ sách đã được tờ báo xuất bản và phát hành một lần trước đó”.

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác Bản quyền và Xuất bản của tờ báo - cho rằng, các tác giả chưa nắm rõ quy trình của việc tái bản, bởi nhuận bút tái bản vẫn được trả.

Ông giải thích, bộ sách này tập hợp các truyện ngắn đăng trên báo và các tác giả đã nhận nhuận bút cho tác phẩm khi đăng báo. Sau đó khi bộ sách kỷ niệm 20 năm thành lập báo được phát hành vào 2011, các tác giả cũng nhận nhuận bút sách.

Tới tháng 2, tòa soạn hợp tác cùng công ty Phương Nam Book tái bản bộ sách (nguyên vẹn như bản in lần một) trong một hợp đồng chuyển nhượng khai thác. Sau khi phát hành và kết toán, tất cả những người thực hiện bộ sách trên (gồm tác giả truyện, người tham gia biên tập, biên soạn) đều sẽ được chi trả nhuận bút đúng quy định về tái bản trên cơ sở giá trị hợp đồng chuyển nhượng.


Về việc chưa trả nhuận bút cho các tác giả, ông Tú nói: “Có lẽ Ploy Ngọc Bích và Minh Nhật chưa hiểu hết quy trình tái bản của chúng tôi, nên các bạn ấy mới hoang mang vấn đề tác quyền. Cơ quan đang theo quy trình, và chuẩn bị trả nhuận bút cho các bạn”.

Ông Điêu Ngọc Tuấn, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ, cho rằng, vấn đề cơ bản nhất trong vụ việc này là xác định ai đang nắm giữ bản quyền đối với các tác phẩm. “Nếu sự thực đúng như thông tin được nêu, thì cho đến nay quyền tác giả đối với các tác phẩm này vẫn đang thuộc về tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm.

Cho dù trước đó các tác giả ấy đã đồng ý đăng trên báo, hoặc cho phép báo này xuất bản thành sách năm 2011-2012, thì cũng không có nghĩa bây giờ báo có quyền tái bản hoặc chuyển nhượng quyền tái bản bộ sách. Tái bản thực ra vẫn là hành vi sao chép tác phẩm.

Do đó, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả mới là người có quyền cho phép sao chép tác phẩm của họ”.


Ông Điêu Ngọc Tuấn phân tích thêm, các tác phẩm đã được đăng báo và tác giả đã nhận nhuận bút của báo thì đó chỉ là sự cho phép đối với việc đăng báo hay sử dụng tác phẩm ở lần sử dụng đó.
 Điều 21 Luật Xuất bản 2012 nêu rõ: “Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3 điều 20 Luật Sở hữu Trí tuệ nêu: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này (Quyền tài sản bao gồm quyền sao chép tác phẩm) và khoản 3 Điều 19 (Quyền nhân thân bao gồm: Công bố tác phẩm và cho phép người khác công bố tác phẩm) của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn