• Zalo

Tranh cãi ‘khai tử’ môn Lịch sử: ‘Cách làm của Bộ GD-ĐT khiến tôi không yên tâm’

Giáo dụcThứ Năm, 12/11/2015 07:56:00 +07:00Google News

Khai tử môn Lịch sử: Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tiếp tục lên tiếng sau khi có những phản hồi của Bộ GD-ĐT về thông tin ‘khai tử’ môn Lịch Sử.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tiếp tục lên tiếng sau khi có những phản hồi của Bộ GD-ĐT về thông tin ‘khai tử’ môn Lịch Sử.


Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục cho rằng bộ GD-ĐT nên thận trọng khi có ý định xóa bỏ môn Lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông, thay vào đó, môn học này nằm trong môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng.
Đại biểu Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc 

- Sau khi ông phát biểu trước Quốc hội và một số nhà Sử học cũng đã có ý kiến thì Bộ GD-ĐT đã trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định học sinh sẽ được học môn Lịch sử nhiều hơn, tốt hơn bằng cách tích hợp trong các môn học khác nhau ở các cấp. Ông có đồng tình với lý giải này của Bộ GD-ĐT?

Cần phải hiểu giáo dục Lịch sử truyền đạt được cái gì cho học sinh. Trong đó, chương trình và phương pháp với bộ môn khá đặc thù như Lịch sử là rất quan trọng. Trong khi đó, chưa ai tin rằng những bổ sung thêm nếu chỉ là những con số cộng của định lượng như cách nói của Bộ GD-ĐT là có thể tăng được chất lượng.

Hiện nay, chúng ta đang muốn giảm việc học cho học sinh. Học ít mà hiểu nhiều. Tại sao Bộ GD-ĐT cứ lấy con số về số lượng các môn tích hợp Lịch sử ra để đặt vào đó.

Tôi muốn nói là phương pháp làm của Bộ GD-ĐT làm tôi không yên tâm. Phải làm hết sức thận trọng.

- Là một chuyên gia Lịch sử, ông có đề xuất gì để Bộ GD-ĐT triển khai đổi mới đối với môn Lịch sử?

 

Phương pháp làm của Bộ GD-ĐT làm tôi không yên tâm. Phải làm hết sức thận trọng

Dương Trung Quốc
 
Tôi cho rằng, trước hết cần đầu tư, quan tâm tới môn Lich sử. Việc tích hợp phải là bước đi hết sức thận trọng chứ không đơn giản là giao dự án cho một nhóm lập để rồi đưa ra ý kiến làm thế này, thế kia.


Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nói về cách ứng xử của một cơ quan của Chính phủ. Luật về giáo dục Quốc phòng an ninh đã là một đạo luật riêng. Nói xóa bỏ thì dễ. Hoặc có thể nói tích hợp trong các môn khác.

Tư duy kiểu đó là tư duy vô Chính phủ. Mặc dù luật pháp chúng ta làm ra nhưng phải có quy trình và trước hết là thái độ nghiêm túc đối với nó chứ không nghĩ đơn giản như vậy.

Nói cho cùng, việc Bộ GD-ĐT nói về việc tích hợp môn Lịch sử trong các môn khác mới chỉ là nghe nhau nói, chưa ai biết. Kể cả Hội khoa học Lịch sử Việt Nam - một tổ chức nghề nghiệp cũng không hề được hỏi.
Chính cách dạy hiện nay đã làm môn Lịch sử không còn hấp dẫn
Chính cách dạy hiện nay đã làm môn Lịch sử không còn hấp dẫn 

- Bộ GD-ĐT có lý giải rằng học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn môn Lịch sử hơn nhưng trong trường hợp học sinh không lựa chọn thì trách nhiệm thuộc về đâu?

Trách nhiệm trước hết là của Bộ GD-ĐT,  của những người thực hiện chủ trương. Còn chủ trương của Đảng trong vấn đề thay đổi toàn diện trong thay đổi giáo dục thì tôi rất ủng hộ Nhưng thay đổi như thế nào và bằng cách nào thì cần phải bàn. Tôi thấy những gì Bộ GD-ĐT làm khiến chúng tôi chưa thấy yên tâm.

- Ông nghĩ gì khi chỉ có 15,3% tổng số em đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Nhiều hội đồng chỉ có 1 thí sinh thi Lịch sử?

Chúng ta không thể trách học sinh khi các em rất thực tế. Nhiều em học sinh rất kém môn Lịch sử. Khi lựa chọn hướng nghiệp cho mình, các em rất thực tế khi không chọn môn Lịch sử. Bởi vì tất cả hệ thống giáo dục không coi môn Lịch sử ra gì.

- Vậy phải chăng quan điểm của ông cần tổ chức lại cách dạy môn Lịch sử chứ không phải bỏ môn này đi?

Tôi cho rằng tại sao Bộ GD –ĐT  trước hết không tập trung đổi mới môn Lịch sử. Không phải cứ thấy khó là bỏ.

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lo tìm ra cái mới mà chưa biết cái mới là cái gì. Đó là cái đáng lo nhất. Nhất là giáo dục, đừng coi đây là một nơi thử nghiệm cho những dự án mà phải hết sức thận trọng.

Thưa ông, liệu những người nghiên cứu Lịch sử có cực đoan khi cho rằng môn Lịch sử phải là một môn học riêng chứ không phải là một nội dung trong các môn học tích hợp?

Môn Lịch sử vốn tồn tại lâu nay. Tôi rất ủng hộ việc thay đổi nhưng thay đổi không có nghĩa là bỏ môn Lịch sử.

- Theo lộ trình 2016 chúng ta bắt ta vào soạn thảo chương trình mới, lộ trình đó rất gần thì việc quan tâm của ông đối với môn Lịch sử là như thế nào?

Tôi cho rằng toàn xã hội phải quan tâm đến việc dạy và học môn Lịch sử. Việc xây dựng chương trình là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải biết tập hợp ý kiến để tìm ra phương thức để khắc phục những hạn chế và có thể sáng tạo ra những cái mới.

Xin cảm ơn ông!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn