• Zalo

Tranh cãi ‘khai tử’ môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT phản hồi

Giáo dụcThứ Tư, 11/11/2015 07:56:00 +07:00Google News

Khai tử môn Lịch sử: Bộ GD-ĐT đã phản hồi trước thông tin sẽ tích hợp môn Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc.

(VTC News) – Bộ GD-ĐT đã phản hồi trước thông tin sẽ tích hợp môn Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc.

Thông tin môn Lịch sử sẽ bị xóa bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông, thay vào đó, nó nằm trong môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng đã gây ra những phản ứng gay gắt. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Lịch sử là môn học quan trọng và phải được dành vị trí xứng đáng trong chương trình.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến tích hợp môn lịch sử với môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là công dân với Tổ quốc
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến tích hợp môn lịch sử với môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn mới là công dân với Tổ quốc  
Tuy nhiên, trao đổi trên VTV, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, thông tin trên chưa đầy đủ và chưa phản ánh đúng bản chất việc đổi mới giáo dục lịch sử trong chương trình phổ thông.

Ông Hiển cho rằng cũng như nhiều môn học khác, việc dạy học lịch sử sẽ được tổ chức lại theo từng cấp học. Theo đó, ở bậc tiểu học, giống như hiện nay, kiến thức lịch sử sẽ được chuyển tải của một số môn học khác trong môn Tìm hiểu xã hội. Ở bậc trung học cơ sở, Lịch sử được tích hợp với Địa lý thành môn Khoa học xã hội.

Ở bậc trung học phổ thông, Lịch sử tiếp tục tích hợp với Địa lý thành môn Khoa học xã hội. Ngoài ra, Lịch sử tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng trong môn Công dân với Tổ quốc để giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nghệ thuật quân sự của cha ông. Hai môn này là bắt buộc.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển 
Lịch sử cũng sẽ đứng độc lập như một môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông, dành cho những học sinh chọn thi đại học vào các khối có tuyển sinh môn Lịch sử. Ngoài ra còn có các chuyên đề học tập lịch sử.

“Như vậy, có thể khẳng định, Lịch sử không bị bỏ ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mà được tổ chức lại và dạy học theo những cách thức mới”, Thứ trưởng Hiển thông tin.

Trước đó, khi hàng loạt ý kiến phản biện của các chuyên gia về việc tích hợp lịch sử trong môn Công dân với tổ quốc, PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho rằng giáo dục lịch sử và khoa học lịch sử có sự khác nhau.

“Cá nhân tôi cho rằng giáo dục lịch sử luôn quan trọng, luôn là cốt lõi. Tôi thấy nhiều hội thảo, có một vấn đề mà chúng ta cứ đặt ra và tranh luận là môn lịch sử rất quan trọng. Nhưng thực tế là không ai coi thường môn lịch sử, đặc biệt giáo dục lịch sử”, ông Thống nêu quan điểm.

Trong khi đó, không có văn bản nào của Bộ GD-ĐT khẳng định lịch sử không quan trọng. “Đấy là cứ tự đặt ra một cái không có rồi tự tranh luận với nhau. Bắt buộc thì lịch sử là môn học bắt buộc rồi, từ tiểu học đến phổ thông”

Ông Thống cho rằng việc khúc mắc nhất hiện nay chỉ là môn Lịch sử đứng độc lập, có tên gọi riêng.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 
Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến trong những hội thảo gần nhất.

“Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu những gì hợp lý. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, còn hiện tại thì chưa thể kết luận. Quan điểm chính thức của Bộ GD-ĐT là còn phải lắng nghe nhiều, trao đổi thêm. Sắp tới sẽ bàn, nếu thấy hợp lý sẽ tách”, ông Thống thông tin.

Bên cạnh đó, ông Thống cũng có cùng quan điểm không thể yên tâm nếu thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử.

“Tôi cho sự quan tâm này của xã hội, của các nhà lịch sử là rất đúng. Nếu thế hệ trẻ quay lưng với Lịch sử rất nguy hiểm”, ông Thống nói.

Nhưng giải quyết vấn đề môn lịch sử như thế nào thì phải trong định hướng chung.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới, ở THPT từ năm lớp 10 đến lớp 12 mỗi tuần học sinh vẫn phải học 1 tiết Lịch sử bắt buộc, tức một năm là 35 tiết, 3 năm THPT là 105 tiết. Môn Ngữ văn, môn Toán cũng chỉ 2 tiết/tuần.

“Vì vậy tôi cho rằng, vị trí môn lịch sử vẫn giữ vững không có gì thay đổi. Thậm chí với chương trình mới, học sinh còn phải học nhiều Lịch sử hơn vì ngoài việc bắt buộc học sử ở môn công dân với tổ quốc, thì tất cả những học sinh chọn đi theo hướng khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, công nghệ vẫn phải bắt buộc học các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử”, ông Thống phân tích.

Bên cạnh đó, các học sinh chuyên ngành khoa học xã hội, đặc biệt là Lịch sử thì lại phải học môn Lịch sử tự chọn dành cho những em chuyên về Lịch sử.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả trong trường hợp môn Lịch sử được giữ nguyên để đứng độc lập, cấu cấu trúc môn học phổ thông mà Bộ GD-ĐT đã dự kiến cũng không bị phá vỡ.

Tuy nhiên, PGS Thống cho rằng khi ấy thì sẽ có một số nội dung của lịch sử trùng với giáo dục an ninh quốc phòng và giáo dục công dân.

Ngoài nội dung của mình, lịch sử còn phải “làm hộ” những nội dung tích hợp của môn quốc phòng an ninh và giáo dục công dân để tránh sự trùng lặp.

Mặt khác, định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là giảm môn học bắt buộc, tăng tự chọn.

Ở các nước, bậc THPT học những môn bắt buộc rất ít, chủ yếu là môn tự chọn. Một số nước thì có một số môn bắt buộc, nhưng cũng không nhiều.

“Nên nếu bây giờ tách lịch sử với hai môn kia ra thành ba, cộng với 3 môn bắt buộc toán - văn - ngoại ngữ là sáu , cộng thêm các môn khác thành tám, chín thì lại thành ra là quá nhiều”, PGS Thống nói.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn