Trong tập 9 chương trình SV 2016 phát sóng ngày 28/8 trên VTV3, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã đưa ra câu hỏi tình huống với một bức tranh có 2 con sâu và một đồng tiền bị gặm nham nhở. Các đội chơi trong chương trình SV 2016 sẽ phải liên tưởng và đưa ra đáp án chính xác nhất.
Clip: Cụm từ 'Con sâu gặm tiền' trong chương trình SV bị hiểu là 'CSGT' gây tranh cãi (Nguồn: VTV3)
Đội ĐH Y Hà Nội đưa ra câu trả lời: "Thèm tiền nhỏ dãi, ăn mãi rồi cũng hết".
Trong khi đó, đội thi ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lại đưa ra câu trả lời: "Trăm năm Kiều vẫn là Kiều, con sâu đục khoét là điều hiển nhiên". Câu trả lời rút gọn của đội này là " đục khoét".
Các sinh viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đưa ra đáp án là "Con sâu gặm tiền". Điều đáng nói là sau đó ,các bạn sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội đã ghép các chữ cái đầu sẽ thành "CSGT".
Nhiều người cho rằng, các bạn sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội đang muốn nhắc đến lực lượng Cảnh sát giao thông nên mới có sự sắp xếp này. Ngay sau đó, các thành viên trong ban giám khảo cũng phải bật cười trước ẩn ý của các bạn sinh viên.
Ngay lập tức, ẩn ý của đội chơi Đại học Sư phạm Hà Nội đã khiến dân mạng tranh cãi gay gắt.
Trả lời băn khoăn của dư luận, TS Nguyễn Văn Hiền, trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng bạn đọc không nên suy diễn ra ngoài đáp án của các em sinh viên đã đưa ra trong chương trình.
“Đáp án đưa ra như thế nào thì là như thế. Nhà trường tôn trọng sự sáng tạo của các em. Chúng ta cũng đừng suy diễn”, TS Nguyễn Văn Hiền khẳng định.
Ông Hiền cho rằng, nếu suy diễn cụm từ viết tắt “CSGT” sẽ ra nhiều đáp án khác nhau. Cùng chữ viết tắt đó sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Việc suy diễn như dư luận vừa qua là việc “suy từ bụng ta ra bụng người”.
“Việc suy diễn cụm từ viết tắt CSGT vô tình tạo ra lăng kính đen tối cho các em sinh viên. Tạo ra góc nhìn không đúng về xã hội. Đó là điều rất đáng buồn”, ông Hiền bày tỏ.
Như vậy, chúng ta lại vô tình gán ghép vào đầu óc trong sáng của các em sinh viên một góc nhìn khác. Đó là việc áp đặt tư duy của người lớn vào tư duy của sinh viên.
“Đó là điều đáng ngại và rất nguy hiểm.Cần có cái nhìn trực diện, trong sáng. Không nên áp đặt tư duy của người lớn cho sinh viên”, TS Nguyễn Văn Hiền khẳng định.
Sinh viên dự thi dựa vào lăng kính của chính các em, suy nghĩ của các em, sự sáng tạo của các em. Nhà trường tôn trọng điều đó.
“Nhà trường tôn trọng tư duy của sinh viên và khích thích tư duy sáng tạo của sinh viên. Đó là sân chơi của các em sinh viên chứ không phải là sân chơi của các thầy cô”, ông Hiền khẳng định.
Kết thúc chia sẻ về vấn đề này, TS Hiền cho biết nhà trường cũng không yêu cầu các em sinh viên phải giải trình vấn đề này.
Bình luận