Khác với bạn bè cùng trang lứa, ngay từ nhỏ Zhang Yiwen tiếp nhận một nền giáo dục khác biệt.
Bố em không tin tưởng vào hệ thống giáo dục hiện tại, nên quyết định dạy con tự học ở nhà từ năm Zhang lên 4. Thay vì đi theo chương trình truyền thống, Zhang hoàn thành chương trình 3 cấp khi mới lên 10 tuổi.
Tới năm 2016, Zhang bắt đầu thử sức với kỳ thi Cao khảo. Do kiến thức còn yếu, nên lần thi này Zhang chỉ được 172/750 điểm. Kết quả này không khiến bố Zhang phiền lòng. Ông cho rằng con gái còn nhỏ, kết quả này là bình thường và quyết định cho con dùi mài kinh sử thêm một năm.
Tới năm 2017, Zhang tham gia thi Cao khảo lần 2. Lần này em giành được 325 điểm và được nhận vào một trường đại học.
Bố mẹ Zhang lúc đó hết sức tự hào khi con gái là một trong những đứa trẻ Trung Quốc hiếm hoi được vào đại học khi mới 10 tuổi.
Nhưng cuộc sống trên giảng đường không suôn sẻ với con gái như họ tưởng tượng. Do còn nhỏ và sống trong môi trường khép kín, ít bạn bè một thời gian dài, Zhang gặp khó khăn trong việc giao tiếp với "bạn bè" ở đại học.
Cô bé khó hòa nhập với môi trường mới, cảm thấy lạc lõng khi phải sống trong môi trường tập thể.
Năm 2020, Zhang tốt nghiệp đại học. Thay vì học lên cao học, em trở về nhà phụ bố dạy học tại trường tư thục mà gia đình mở.
Dù vậy, mẹ của Zhang vẫn rất tự hào về em và cho rằng các phụ huynh khác có thể noi theo cách của gia đình cô để tiết kiệm chi phí học hành của con cái.
Nhưng em trai của Zhang khi được hỏi về "sự nghiệp học hành" của chị gái lại có chia sẻ khác biệt.
"Cháu nghĩ là thành công một nửa, thất bại một nửa. Chị ấy gặp một số vấn đề về tâm lý và không thể kết bạn với ai", cậu bé nói.
Câu chuyện của Zhang từng có thời điểm làm dấy lên làn sóng tranh luận trong cộng đồng mạng Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng, độ tuổi của Zhang là thời điểm trẻ bắt đầu nhìn nhận thế giới đầy đủ hơn. Trong giai đoạn này, các em nên được rèn luyện tính cách cũng như khả năng giao tiếp với người khác.
Trong khi đó, việc bố Zhang làm chỉ là truyền đạt kiến thức một cách mù quáng, làm thỏa mãn mong muốn của bản thân mà không nghĩ tới cảm nhận của con mình.
"Môi trường học tập và cuộc sống tập thể ở trường đại học không phù hợp với một đứa trẻ chưa tách khỏi sự bao bọc của bố mẹ. Đứa trẻ có thể cảm thấy xấu hổ trước những người khác. Nếu không cẩn thận, em có thể bị cô lập dẫn tới trầm cảm", một người dùng mạng bình luận.
Bình luận