Video: Trắng tay sau hàng chục năm đánh đu bên miệng 'hà bá'
Ký ức kinh hoàng
Rạng sáng 27/6, một vụsạt lở kinh hoàngđã diễn ra tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), nhấn chìm 5 ngôi nhà xuống lòng sông và ít nhất 2 ngôi nhà khác bị ảnh hưởng. Đoạn sạt lở xảy ra ước chừng có chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào hơn 20m, khiến các hộ dân tại đây phải di dời khẩn cấp trong đêm.
Nhớ lại sự việc, bà Nguyễn Thị Thanh Đáng (72 tuổi, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng. "Đến giờ chân tôi vẫn còn run, không tin là số mình may mắn để còn sống, tưởng đâu về gặp ông bà tổ tiên rồi chứ", bà Đáng chia sẻ.
Theo bà Đáng, vụ sạt lỡ diễn ra vào tầm 12h đêm, lúc tất cả mọi người đã chìm vào giấc ngủ. "Hôm đó không biết sao đang giữa đêm mà 2 con chó tôi cột sau bếp tự nhiên sủa to, tôi mới dậy cầm đen pin để rọi thì không thấy gì. Nhìn ra sau nhà cũng không thấy có hiện tượng gì.
Đâu tầm 5 phút sau tự nhiên nó đổ 1 cái ầm, 2 con chó của tôi bị xích lại nên không chạy thoát được cũng rớt xuống sông luôn. May mắn có 1 con dằng được dây xích bơi lóp ngóp dưới sông, sau người ta đến vớt lên được. Mà giờ nó cũng sợ không dám lại gần đây, ngày hôm sau tôi quay lại thấy nhà mình tan hoang mà tôi đi không nổi, tê tái, xót xa lắm", bà Đáng kể.
Cùng hoàn cảnh tương tự bà Đáng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Đầy (80 tuổi) khi nhắc lại vẫn chưa hết run.
Ông Đầy tâm sự: "Vợ chồng tôi sống ở đây đã gần 40 năm không ngờ có lúc lại phải bỏ nhà của mình mà đi thế này. Nhà tôi với nhà 2 đứa con nữa đi hết một lượt luôn, nó mà sạt vô thêm vài thước nữa là 8 mạng người chết hết".
Đứng bên cạnh chồng, bà Võ Thị Nết cũng không giấu được tâm trạng buồn bã, bồn chồn. "Đang nằm ngủ, nghe 1 tiếng như trời gầm. Tôi mới dậy nói với ông nhà "ông ơi sao trời không mưa mà nó gầm ghê vậy? Xong ông nhà tôi mới hét ầm lên "nó sạt hết rồi, sao bà còn đứng đó, đi ra không chết bây giờ". Đúng 5 phút sau nó xuống thêm cái rầm nữa, cả nửa phần sau ngôi nhà tôi xuống sông luôn".
"Bữa giờ tôi ám ảnh không ngủ được chú ơi! Cứ nhắm mắt lại là cảnh hãi hùng nó hiện ra. Nhưng thôi, cũng may là không ai làm sao, còn người còn của", bà Nết chia sẻ.
Trắng tay sau trận sạt lở
Vụ sạt lở đã khiến bờ sông bên cầu Kinh trở nên nham nhở với nhiều vết xói mòn, ăn sâu vào đất liền. Các căn nhà trở nên tan hoang khi những bức tường bị nứt đổ, mái tôn đổ sập xuống lòng sông kéo theo nhiều vật dụng sinh hoạt của người dân.
"Buổi khuya sạt lở xong, sáng hôm sau thấy đồ đạc trôi lềnh bềnh mà có ghe đâu mà đi vớt, nhìn mà xót xa lắm. Bao nhiêu năm tích góp, cuối cùng chỉ 1 đêm là đi cả, đến cả cái chén, đôi đũa ăn cơm cũng không còn", bà Đáng nói trong nghẹn ngào.
Vụ sạt lở đã khiến 5 gia đình mất toàn bộ nhà cửa, nhiều gia đình khác khốn đốn và phải di dời vì nguy cơ bị ảnh hưởng. Đứng trước ngôi nhà đã gắn bó hàng chục năm, nhưng đến nay chỉ còn là đống hoang tàn sau tai họa, bà Nết chau mày than thở: "Toàn bộ tài sản sắm sửa mấy chục năm nay bị nuốt xuống sông hết. Đang có nhà ở giờ phải đi ở nhờ ở đậu, thế nên tôi ít về lại nhà lắm, mỗi lần về là 1 lần buồn quá trời quá đất".
Sau ngày xảy ra sự việc, những hộ dân tại đây vẫn thường ra ngó vào nghiêng rồi chau mày, chép miệng như nuối tiếc những tháng ngày sống trong ngôi nhà của mình. "Hôm đó tôi biết nó sắp sập đến nơi nhưng vẫn cố gắng vào kéo bao gạo mới mua, do nghĩ mình còn sống là còn phải ăn. Con dâu tôi nó la quá trời nhưng tôi cũng cố lấy thêm cái nồi cơm điện mà không kịp. Tôi vừa kéo được bao gạo ra là nó đổ rầm cái luôn.
Sau khi sạt lở xong thì chính quyền có xuống, cho mỗi nhà vài thùng mì với một ít vật dụng cá nhân. Nhưng làm sao mà hết buồn, hết tiếc được, ở nhà mình thoải mái, mát mẻ, giờ đi ở trọ thì tù túng nhiều khi chịu không nổi", bà Đáng chia sẻ.
Được biết, đây là lần thứ 4 khu vực ven bờ cầu Kinh bị sạt lở. Những lần trước, người dân thường tự xây thêm nhà lấn ra phía trước để tránh khu vực sạt lở. Tuy nhiên sau khuya 27/6, chính quyền địa phương đã quyết định di dời toàn bộ các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở được nhận định có thể tại khu vực trên xuất hiện hố xoáy gây xói mòn, khi triều cường dâng cao, nước xoáy mạnh gây ra vụ sạt lở. Người dân tại đây cho biết, khu vực này đã có dự án xây bờ kè nhưng đến hiện nay vẫn chưa thấy thực hiện.
Chính quyền xã Hiệp Phước cũng đã hỗ trợ tạm thời cho mỗi hộ dân số tiền 1,5 triệu trong 3 tháng, đồng thời tặng các phần quà để họ ổn định ban đầu trước khi bố trí chỗ ở mới.
Bình luận