Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Trang Hạ tiếp tục gây ra những tranh cãi nảy lửa xung quanh cách nuôi dạy con cái của phụ huynh Việt. Chị cho rằng các ông bố bà mẹ Việt Nam đang giáo dục con như 'chăm thú cưng', sản sinh ra một thế hệ người Việt trẻ sĩ diện, thất nghiệp vì thiếu kinh nghiệm sống.
'Bữa đọc tin thế hệ trẻ 8X của Trung Quốc li hôn dữ dội so với mức bình thường của xã hội, rồi đọc về thế hệ 8X dâu tây của Nhật Bản, mới thấy giật mình nhìn thấy ở Việt Nam nào khác gì. Có bao nhiêu bạn trẻ đang được bố mẹ 'chăm nuôi' cứ như chăm 'thú cưng' vậy.
Nhỏ thì bố mẹ coi con như là một đứa bị cụt cả hai tay. Cho nên bố mẹ đút cơm hộ. Rửa mặt hộ. Đánh răng hộ. Thay quần áo hộ luôn. Con chỉ cần đi trường mầm non về, ngồi xuống ghế, mắt nhìn ra phía cái tivi, thế là ông bà vội vã đi bật tivi ngay. Con chỉ cần nhếch mép 'ê' một tiếng phản đối, ông bà bố mẹ rụt cả lại xuýt xoa ngay.
Con nhà mình 5 tuổi biết tự dắt em nó đi ăn sáng, mà hàng xóm nhà mình cứ chặc lưỡi bảo: 'Ôi khổ thân mấy đứa bé, bố mẹ lười biếng không chịu chăm sóc con, để con phải tự đi ăn sáng thế này! Con nhà người ta lớn từng này mà vẫn còn được đút từng thìa đây này!' Đùa chứ, muốn sống lành trong một xã hội nhiều ông bố bà mẹ nuôi con méo mó cũng khó.
Bữa có chương trình dã ngoại khám phá thiên nhiên, chị chủ của hoạt động này kể với mình, cũng nhiều bố mẹ phấn khởi cho các con tới tham dự. Nhưng đến hoạt động cho các con đi chơi bìa rừng trong một buổi sáng mùa hè, thì bố mẹ phản đối ầm ầm.
Không! 'Con vàng cháu ngọc' của họ không thể đi bộ trên đám đất bùn bẩn thỉu! 'Thú cưng' của họ làm sao chống chọi lại được những con côn trùng nguy hiểm chực chờ cắn xé và làm tổn thương! Họ không cần con họ đi dã ngoại. Cứ 'dã nội' trong một tầng cao ốc gần nhà cho an toàn.
Có người mang con về nhà luôn, miệng lẩm bẩm hàng trăm ngàn thắc mắc 'vì sao như thế mà cũng có người cho con đi được?' Những bậc bố mẹ nuôi con như 'thú cưng', họ chẳng hề hỏi ý kiến con khi đăng ký trại hè đó, và cũng không cần hỏi ý kiến của con khi lập tức quyết định lôi con lên ô tô bỏ đi!
Rồi tới trường, con cái được bố mẹ lãnh hết trách nhiệm, bao bọc như thể một quả dâu tây đợi chín. Mình đã thấy bố mẹ cho con đi học muộn, bố mẹ đứng ở cổng trường 'mặc cả' với Sao đỏ, cho con được trốn ghi phạt đi muộn.
Nhiều bố mẹ to tiếng, mồm mắng học sinh Sao đỏ, tay đẩy con vào trường. Cho con đi học để thành tài, nhưng chính bố mẹ không tuân thủ quy định của trường, vậy sao không để con ở nhà mà tự dạy bảo lấy nhau?
Mình đi đón con ở trường Tiểu học, thấy phụ huynh bóp còi inh ỏi ngay cửa sổ lớp Một, rồi phụ huynh đánh chửi nhau giữa sân trường, rất bậy bạ. Đọc báo thì thấy phụ huynh mang súng vào trường bắn thầy, đánh cô v.v… Vâng, nhà trường không được đánh chửi 'cục cưng', chỉ có học trò và bố mẹ học trò được quyền đánh chửi nhà trường.
Bố mẹ yêu con như thế có sai không? Yêu con chăm lo cho con thì không sai. Nhưng yêu cũng là dạy dỗ con bằng tình yêu. Và cái hạt mầm được trồng trong lồng kính vô trùng và tưới tắm thứ tình yêu vô bờ bến ấy đã đơm kết ra một mùa hoa trái sai, rất sai:
- Giới trẻ Việt được phục vụ, chu cấp quá nhiều: ăn quá nhiều, mặc quá nhiều, đưa đón tận nơi, đi bộ ngày càng ít đi, đi xe đạp hay tập thể dục càng hiếm hoi. Một xã hội có vẻ thừa mứa vật chất chính là một xã hội đang rúng động vì sự trống rỗng những giá trị tinh thần mà fastfood, chè khúc bạch, phim thần tượng, nhạc Hàn cũng như sự chiều chuộng của bố mẹ không mang lại được!
Ai sẽ dạy bạn trẻ biết cách hy sinh và lựa chọn? Ai sẽ dạy sự dấn thân? Ai sẽ dạy bài học làm người phải làm một công dân tử tế không vứt rác ra đường phố? Một khi cả quá trình từ bé tới lớn, giới trẻ đã được đối xử như một kẻ vô trách nhiệm với chính bản thân mình, chỉ nhận yêu thương chăm sóc thôi, không cần yêu thương trở lại, chăm sóc trở lại.
Chỉ cần ngoan thôi, ngoan là có quà, không cần tạo ra bất cứ thứ quà gì cho xã hội? Và thế là những người trẻ ấy chông chênh bê những món quà nặng trĩu, không cần biết nguồn gốc của chúng ở đâu ra, khi hết thì không biết làm sao để có. Và những ông bố bà mẹ ấy, về già liệu có nhận được quà từ những kẻ chỉ biết yêu thương chính bản thân mình?
- Tự do về thân thể nhưng nô lệ về suy nghĩ: Một khi được bố mẹ trang bị cho cả từ đôi giày tới mái tóc, bằng cấp lẫn cách nghĩ, thì bố mẹ chi phối việc quan hệ bạn bè, chọn trường, yêu đương, bố mẹ xin việc hộ, bố mẹ mua xe máy cho, lấy vợ lấy chồng là hoàn toàn tất nhiên!
Nếu có điều tra xã hội học, tôi tin rằng số người li hôn vì ngoại tình thấp hơn số người li hôn vì xung khắc với vợ/chồng và gia đình nội/ngoại.
Nói thật đi, trẻ sơ sinh tới 2 tuổi đã rời tí mẹ, nhưng trẻ 20 tuổi vẫn không rời được vú mẹ, thế là thế nào? Những bạn trẻ tự trang bị được cho mình kiến thức xã hội và trải nghiệm, tự xin học bổng chứ không ăn bám, tự làm ra tiền để tự mua xe mua đồ, họ mới có quyền kiêu hãnh về bản thân.
Chứ bố mẹ còn phải chu cấp từ chiếc quần ra tới cái máy điện thoại, mà dùng cái máy đó lên mạng chụp selfie với những thứ bạn có, đấy chỉ được coi là một lớp trẻ sĩ diện và dốt nát, vì đã không nhận ra bi kịch của bản thân mình!
Một đứa trẻ được bố mẹ liên tục 'đút sự sĩ diện vào mồm' sẽ cảm thấy đầy kiêu hãnh khi nhìn đứa trẻ cùng lớp mẫu giáo đang 'phải' tự phục vụ, học sống độc lập ngay từ lúc đang đeo bỉm.
Có một số thứ gọi là kỹ năng sống, khi mặc bỉm không học được và không được học, thì khi cưỡi xe SH cũng vẫn không thể hiểu được. Hãy tin đi, lệ thuộc cha mẹ không hề là yêu cha mẹ mình. Đã quen được phục vụ, được cưng chiều, sẽ dễ dàng tự ái, ngại khó, ngại thử thách.
Với các bạn trẻ chủ động học cách kiếm ra những chiếc smart phone hay xe SH, thì đó chỉ là phương tiện để kiếm thêm tiền thôi. Còn lại, với các 'cậu ấm, cô chiêu', xe hẳn phải là những phụ kiện trưng trổ diêm dúa.
- Thiếu trải nghiệm không phải do số phận: Vâng, vì sao cùng là sinh viên nhưng có những người bỏ học thành tỷ phú thế giới còn bạn cũng lấy lý do đó mà bỏ học thì chẳng trở thành cái gì cả? Bạn nghĩ bỗng dưng họ quyết định bỏ học khi chưa có gì trong tay, trong đầu?
Bạn chỉ bắt chước để rồi hứng cái 'trải nghiệm thất bại' thôi, chứ bạn đâu có học được 'trải nghiệm thành công' của những tỷ phú ấy? Trải nghiệm càng không phải là sao chép công thức sống.
Sống mặc sức sĩ diện nhưng các thứ còn lại đều là con số không, thì thật thảm thương cho xã hội. Thử hình dung cả một giới trẻ sẵn sàng ngoảnh mặt với mọi công việc chỉ vì kén chọn, sĩ diện để 'giữ hình ảnh bản thân', rồi chấp nhận giả bơ đi những bối rối cá nhân, mãi loay hoay không biết chuẩn bị sẵn sàng gì cho tương lai, không có quy hoạch cuộc sống, sao mà thấy sợ hãi…
Chỉ vì sĩ diện mà thất nghiệp, đói nghèo, nó không phải chuyện của riêng bạn, của riêng giới trẻ, nó là gánh nặng của cả xã hội này đấy ạ!
Câu chuyện này đã trở thành đề tài nảy lửa giữa các Facebooker. Chủ đề có đến hơn 4.000 lượt ủng hộ và 1.500 lượt share. Phần đông người đọc đều cho rằng chị rất thực tế trong những nhận xét này, nhưng cũng có không ít khán giả phản biện.
Bình luận