Theo Dmitry Litovkin – Tổng biên tập tờ Independent Military Review, quân đội Nga đặt ra những yêu cầu cao về các trang bị chiến đấu tương lai dành cho binh sĩ nước này, như khả năng chống đạn súng bắn tỉa, hạn chế độ sát thương của mìn bộ binh, chống lại các thiết bị quan sát hồng ngoại và người lính hoàn toàn có thể ẩn mình vào môi trường xung quanh dù đêm hay ngày.
Tất cả những điều kể trên đều sẽ được tích hợp vào trong bộ trang bị chiến đấu mới nhất của binh sĩ Nga, 'Ratnik-3'.
Cũng theo Litovkin, một phần trang bị Ratnik-3 đã được quân đội Nga thử nghiệm trong các hoạt động thực địa ở chiến trường Syria, và chúng sẽ được vào biên chế từng phần trong tương lai gần. Về cơ bản bộ đồ trang bị chiến đấu mới của Nga không chỉ quân phục ngụy trang, áo giáp chống đạn, thiết bị điện tử mà còn đi kèm cả vũ khí thông minh cho phép người dùng biết rõ mục tiêu đang ở đâu và cách tiêu diệt.
Trang bị chiến đấu mới của Nga có gì đặc biệt?
Một phần trang bị thuộc Ratnik-3 đã được giới thiệu tại diễn đàn quân sự quốc tế AMRY 2021 và chúng không được công khai đối với khách tham quan triển lãm. Các quan chức quốc phòng hàng đầu Nga đều tỏ ra hài lòng với mẫu trang bị mới.
Theo Litovkin, tập đoàn Kalashnikov đã giới thiệu đến Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu một mẫu súng thông minh mới được tích hợp công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Nó không chỉ có thể bắn mà còn giao tiếp được với người dùng theo đúng nghĩa đen. Mẫu vũ khí này cho người lính biết khi nào cần tấn công để đạt hiểu quả cao nhất dựa trên những đánh giá từ các thiết bị Ratnik-3 được tích hợp.
Trước đó sự quan tâm của Kalashnikov được thể hiện rõ qua mẫu súng shotgun MP-155 'Ultima' được tích hợp nhiều công nghệ mới cho phép người dùng trải nghiệm cảm giác bắn hoàn toàn khác. Các thử nghiệm trên MP-155 đã tạo tiền đề để Kalashnikov phát triển các mẫu vũ khí thông minh cho quân đội Nga.
Ở thời điểm hiện tại, quân đội Nga đang từng bước đưa vào trang bị Ratnik 2 dựa trên những cải tiến từ Ratnik 1. Bộ đồ chiến đấu này được thiết kế dựa trên 5 yếu tố gồm, khả năng tấn cống, phòng vệ, kiểm soát, hỗ trợ sự sống và nguồn năng lượng.
Cụ thể, Ratnik 2 được thiết kế theo dạng modul mỗi yếu tố có thể được tích hợp với hệ thống tùy theo điều kiện khí hậu và tính chất của môi trường chiến đấu. Ví dụ như ở Quân khu trung tâm của Nga, các binh sĩ thường sử dụng quân phục ngụy trang với hai gam màu xanh lá - đen, ở Syria nó lại có tông màu hồng, xanh nhạt và xám. Còn ở Bắc Cực bộ đồ này lại dùng hai màu trắng - đen.
Các nhà phát triển Ratnik 2 cho biết, ngoài chức năng ngụy trang, bộ đồ còn được thiết kế để duy trì mức độ thoải mái tối đa trong suốt quá trình hoạt động hàng ngày của người mặc. Binh sĩ có thể sử dụng 1 bộ đồ duy nhất trong 48 giờ bởi vải may quân phục đã được xử lý bằng một công nghệ đặc biệt cực thoáng khí.
Một phiên bản mùa đông của Ratnik 2 cũng được phát triển. Nó khác với phiên bản mùa hè ở chỗ có lớp cách nhiệt và hệ thống nhiệt sưởi ấm chạy bằng pin.
Tổng trọng lượng của một bộ trang bị Ratnik 2 tiêu chuẩn bao gồm áo, quần, áo trang bị, cùng với áo giáp chống đạn là khoảng 10 kg, với phiên bản đầy đủ mũ chống đạn, áo giáp chống đạn (bảo vệ cấp 6) và tấm che mảnh đạn ở đùi và vai, trọng lượng cả bộ đồ sẽ khoảng 20 kg. Nhìn chung, trang phục chiến đấu này có thể bảo vệ khoảng 90% diện tích cơ thể của một người lính.
Về vũ khí, binh sĩ Nga có cả một kho vũ khí gồm súng trường, súng trường tấn công và súng máy để sử dụng. Tùy thuộc vào loại quân và binh chủng, người lính có thể sử dụng súng trường tấn công AEK-971 Koksharov, các mẫu súng trường tấn công Kalashnikov mới nhất AK-12 và AK-15 hoặc súng máy Pecheneg, súng trường bắn tỉa ASVK-M và một số loại vũ khí khác.
Khi nào binh sĩ Nga được trang bị Ratnik-3?
Dựa trên một thiết kế quân phục khác cũng được giới thiệu tại ARMY 2021, Litovkin cũng đưa ra một số nhận định riêng về thiết kế của Ratnik-3 như mũ chống đạn che kín mặt binh sĩ được tích hợp thêm cả kính kiêm màn hình hiển thị hình ảnh, quân phục được tích hợp ngụy trang tiên tiến, kết hợp với đó là bộ khung xương trợ lực bằng titan cho phép người lính có thể mang vác nhiều hơn.
Với một bộ đồ được tích hợp quá nhiều công nghệ như Ratnik-3 rất khó để dự đoán thời gian nó sẽ được quân đội Nga đưa vào trang bị khi quá trình thử nghiệm vẫn đang diễn ra. Ngoài ra giá của mỗi bộ trang bị kiểu này sẽ không hề rẻ và khó có thể để biên chế số lượng lớn cùng một lúc.
Đối với quân đội Nga mà nói họ không có nhu cầu thay đổi sang Ratnik-3 ở thời điểm hiện tại khi Ratnik-2 vẫn đang làm tốt vai trò của mình. Quá trình trang bị nếu có cũng sẽ diễn ra từng phần với quân phục ngụy trang, sau đó là đến vũ khí, tiếp theo là hệ thống quản lý chiến đấu và thiết bị quang học.
Bình luận