Trăn trở của Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM về nghề giáo

Diễn đànThứ Sáu, 20/11/2020 10:17:00 +07:00
(VTC News) -

Tính chất nghề giáo có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng chắc chắn nó sẽ mãi là nghề đáng trân quý dù nhìn từ góc độ nào đi nữa.

Nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở về nghề giáo, một nghề đặc biệt của xã hội.

"Người ta thường nghĩ về nghề giáo bằng những mỹ từ tuyệt vời nhất để bày tỏ lòng chân thành và trân trọng bởi ai cũng từng là học trò, là người được thầy cô dạy dỗ, nuôi dưỡng để trưởng thành. Cũng không ít người từng ước mơ lớn lên sẽ làm thầy cô giáo. Hành trình nhìn về nghề dẫu có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng chắc chắn có một sự thật nghề giáo mãi là nghề đáng trân quý dù nhìn từ góc độ nào đi nữa.

Ai cũng phải thừa nhận rằng làm nghề giáo không dễ. Nếu ngày xưa, giáo viên biết 10 dạy 1, chuẩn mực về nhà giáo luôn phải hoàn hảo, khắt khe thì ngày nay mọi thứ phải có cái nhìn hiện đại hơn và nhân văn hơn. Với học sinh thì giáo viên luôn có sự thương yêu, với đồng nghiệp đó là sự đồng cảm, với phụ huynh và xã hội đó là sự cảm thông. Song song với sự nỗ lực tự tâm thì mỗi thầy cô cũng rất cần sự động viên từ những người xung quanh.

Hiện thực tế cho thấy một số bạn trẻ đến với nghề vẫn còn hời hợt nhất định. Khoan nói đến sự sáng tạo, hoạt ngôn hay những nét chấm phá đầy màu sắc thông qua bài giảng, bài trình bày nào đó, nghề giáo còn cần nhiều hơn thế nữa.

Học trò có thể nghịch ngợm, đôi lần vô tình làm tổn thương giáo viên bằng những lời phê bình hay một hai lần “dìm hàng”. Hay vô tư qua câu chữ, sự bông đùa thiếu cẩn trọng của học trò khiến giáo viên tổn thương. Nhưng học trò cần ở thầy cô bao dung, vị tha nhiều hơn là soi xét và chỉ trích. Chính thầy cô là ánh sáng để học sinh nhìn vào và bước tiếp sống tốt hơn ngày.

Trăn trở của Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM về nghề giáo - 1

 GS.TS Huỳnh Văn Sơn.

Học trò luôn cần chúng ta làm nhà khoa học sáng tạo biết “tinh tế, chế biến” tri thức, kỹ năng. Học trò cần chúng ta gợi mở về hành trình để các em sẵn sàng bước vào đời. Học trò cần chúng ta dõi theo từng bước đi làm nghề, lập thân, lập nghiệp, lập gia… Tất cả những điều đó nếu chỉ có màu sắc hay bề ngoài thì chẳng thể giúp học sinh trưởng thành một cách đúng nghĩa và đầy đủ.

Xã hội càng phát triển, sự tương tác cũng sẽ ở những diễn tiến mới. Thế giới online có thể làm cho người ta mau chóng được định danh, nhận dạng thì cũng chính thế giới ấy có thể làm chúng ta chết ngộp hay chết lũ… Nhiều nghiên cứu xã hội cho thấy thế giới ảo chỉ phản ánh sự thật không đến 49%.

Không nằm ngoài guồng quay công nghệ ấy, nghề giáo cũng đang sống chung với thế giới online. Chúng ta cũng nên cảm ơn những ứng dụng công nghệ này đã làm cho nghề giáo được nhận diện nhanh hơn, rõ hơn và rất màu sắc. Đó là những sức mạnh mà những người làm nghề giáo cần ý thức và cần trân trọng khi giá trị truyền thông và giáo dục cộng đồng có sức hút rất đặc biệt.

Thế nhưng song song với những gì xã hội ghi nhận và đồng cảm thì rất mong sự đồng cảm này cần phải tới đích hơn. Chắc chắn vẫn còn không ít thầy cô cần hoàn thiện những hạn chế, sai sót cần nghiêm túc chỉnh sửa.

Chẳng cần huy chương hay bằng khen, cũng không nhất thiết xuất hiện trên các diễn đàn như một ngôi sao mới lên; cũng không buộc mình phải tỏa sáng theo cách thức đánh giá của một kỳ thi… các thầy cô cần nhiều hơn thế và hãy luôn mong mình sẽ làm nghề chân thành, nghiêm túc và có chỗ đứng quan trọng nhất là trong trái tim, tâm trí của học trò… 

Nghề giáo cần lắm những sẻ chia bởi giáo dục cộng đồng và giáo dục suốt đời đang trở thành điểm đến của con người. Thế nhưng cũng chính điều này cho thấy nhà giáo cần nhận được sự tương tác từ hai phía.

Khi chúng ta đánh giá về nhà giáo rất cần thiết nhưng cũng cần đủ đầy thông tin; nhận xét và phán xét. Biết rằng sự phản hồi là đáng quý nhưng tuyệt vời nhất nếu thông tin phản hồi hay, phản biện trên tinh thần góp ý, dựng xây hay phê bình rất thành tâm, thiện ý và khách quan, công bằng…

Việt Nam có hơn 1,2 triệu nhà giáo. Tập thể các nhà giáo luôn cần hoàn thiện chính mình nhiều hơn trong bối cảnh mới. Cảm ơn xã hội đã hình tượng hoá nhà giáo bằng những biểu tượng tuyệt vời như: người lái đò, người tiếp sức, người nâng đỡ, người truyền lửa…

Nhà giáo càng được tin tưởng thì càng thấy mình có trách nhiệm hơn. Nhà giáo càng được yêu thương thì càng nhận ra mình phải hoàn thiện để xứng đáng hơn mỗi ngày. Và nhà giáo càng được cảm thông thì càng không ngừng hoàn thiện nếu nhận ra lòng tự trọng và sức mạnh của tình thương ấy với học trò.

38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam đã và đang qua, những hình ảnh tuyệt đẹp sẽ mãi còn đó. Với những ai đã chọn nghề giáo làm điểm đến của nghề nghiệp, những ai đã chọn ngành giáo dục và đào tạo để làm sự nghiệp thì cần nuôi dưỡng lòng tự trọng, sự nghiêm túc và cầu thị trong nghề. Hy vọng các thầy cô không ngừng yêu cầu cao ở chính mình để hoàn thiện hơn sứ mạng "trồng người".

GS.TS Huỳnh Văn Sơn(Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn