• Zalo

Trận đại chiến dữ dội, thảm khốc nhất trong truyện kiếm hiệp Kim Dung

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 08/11/2018 14:59:00 +07:00Google News

Đọc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mà không mê mẩn thưởng thức những trận quyết chiến long trời lở đất giữa các đại cao thủ võ lâm thì quả là thiếu sót quá lớn.

Đối với nhiều độc giả, các môn võ công kỳ ảo và những trận quyết chiến dữ dội giữa các cao thủ luôn là điều cuốn hút nhất, đáng nhớ nhất ở tiểu thuyết võ hiệp. Về phương diện này, Kim Dung thể hiện trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo phi phàm, có thể nói là thiên hạ vô địch.

Võ công và những cuộc so tài cao thấp trong sách Kim Dung được nghệ thuật hóa, cá tính hóa, thậm chí triết lý hóa. Không chỉ để mua vui và thu hút độc giả, chúng bộc lộ kiến thức, tư duy và cả những chiêm nghiệm sâu sắc về con người, về cuộc sống của tác giả.

Nếu phải liệt kê toàn bộ những trận đấu hấp dẫn trong các cuốn tiểu thuyết Kim Dung thì con số phải lên đến hàng chục.

Những trận chiến căng thẳng, bi hùng, khiến độc giả nín thở

Xem Xạ điêu anh hùng truyện, ai có thể quên được màn đấu nội lực cao siêu qua tiếng sáo của Hoàng Dược Sư, tiếng đàn tranh của Âu Dương Phong và tiếng hú của Hồng Thất Công trên đảo Đào Hoa?

Thưởng thức Thần điêu hiệp lữ, không thể không tấm tắc với trận chiến giữa quần hùng Trung Nguyên với thầy trò Kim Luân pháp vương, khi mà Chu Tử Liễu uống rượu biểu diễn võ công lồng thư pháp tuyệt luân, còn Tiểu Long Nữ và đại cao thủ Mông Cổ dùng binh khí kỳ lạ giao tranh, tạo âm thanh như những bản nhạc.

Ỷ Thiên Đồ Long ký có hai trận đại chiến khiến người đọc mê mẩn. Thứ nhất là khi các đại môn phái Trung Nguyên kéo lên Quang Minh đỉnh để tiêu diệt Minh giáo. Trương Vô Kỵ nhờ luyện thành Cửu Dương thần công và Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp đã lần lượt đánh bại các cao thủ Không Động, Thiếu Lâm, Hoa Sơn, Côn Luân, cướp Ỷ Thiên kiếm trong tay Diệt Tuyệt sư thái.

chuongkim1

 Hình vẽ minh họa tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tại cuộc triển lãm về tác giả ở Bảo tàng Di sản Hong Kong hồi năm 2017. (Ảnh: Hong Kong Government)

Khi cùng quần hào Minh giáo tới Thiếu Lâm để giải cứu Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ cùng Dương Tiêu và Ân Thiên Chính giao chiến với ba đại thần tăng Độ Ách, Độ Nạn và Độ Kiếp. Ba tiền bối Thiếu Lâm tâm ý tương thông, sử dụng Kim Cương phục ma khuyên như thành đồng vách sắt, nhưng không sao đánh bại được Vô Kỵ và hai cao thủ Minh giáo. Sau trận đấu, Ân Thiên Chính đột tử vì sức tàn lực kiệt.

Ở Thiên long bát bộ, hẳn nhiều độc giả phải rưng rưng ngấn lệ khi đọc đến đoạn Tiêu Phong uống rượu tuyệt giao với các bằng hữu chốn giang hồ ở Tụ Hiền trang, để rồi sau đó bước vào trận quyết tử đẫm máu, khiến không biết bao người thiệt mạng, còn anh em trang chủ Tụ Hiền tự sát.

Và chắc chắn tất cả đều cảm thấy hả dạ khi chứng kiến Hư Trúc dùng công phu Tiêu Dao phái đả bại Tinh Tú lão quái trong khi Đoàn Dự thi triển Lục Mạch thần kiếm đánh cho Mộ Dung Phục tối tăm mặt mũi, khiến Tiêu Phong thán phục, thừa nhận đó là môn võ công vô địch.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, khi phân tài cao thấp với chưởng môn Tung Sơn Tả Lãnh Thiền và Phương Chứng đại sư tại Thiếu Lâm tự, Nhậm Ngã Hành - nguyên giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo - cho thấy lão không chỉ hung hãn bá đạo mà còn đầy phóng khoáng, hào khí ngất trời, trí tuệ đáng khâm phục.

daichien

 Võ công và những trận đại chiến luôn là điểm hấp dẫn đặc biệt trong tiểu thuyết Kim Dung. (Ảnh: Baidu)

 Và cũng tại tác phẩm này, độc giả được dịp nín thở, căng thẳng khi theo dõi trường đoạn Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành, Hướng Vân Thiên và Thượng Quan Vân vây đánh Đông Phương Bất Bại trên Hắc Mộc nhai. Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo tự cung luyện Quỳ Hoa bảo điển, trở thành thiên hạ đệ nhất nhân, chỉ dùng một chiếc kim thêu mà đánh cho 4 đại cao thủ tan tác.

Khi đại hiệp bị đánh cho nước chảy hoa trôi

Điểm sơ sơ cũng đủ thấy về phương diện võ công và chiến đấu, các tác phẩm Kim Dung hấp dẫn đến mức nào. Và giữa muôn vàn cuộc giao đấu thần sầu quỷ khốc đó, có một thực sự rất đặc biệt, dù nó không diễn ra trong những tác phẩm lớn nhất của Kim Dung như Xạ điêu tam bộ khúc, Ỷ Thiên Đồ Long ký, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ hay Lộc Đỉnh ký.

Liên thành quyết là bộ truyện mang tính bước ngoặt của Kim Dung, ra đời sau Ỷ Thiên Đồ Long ký. Nếu Trần Gia Lạc, Viên Thừa Chí, Hồ Phỉ, Quách Tĩnh, Dương Quá và Trương Vô Kỵ đều là những hiệp khách thì Địch Vân chỉ là một anh trai làng hiền lành, ngây thơ, suy nghĩ đơn giản, chẳng hề có khát vọng hành hiệp trượng nghĩa.

Trong cuốn Võ hiệp ngũ đại gia (NXB Trẻ - 2003), nhà nghiên cứu văn học Trần Mặc đánh giá Liên thành quyết đánh dấu thời kỳ “vô hiệp” (không có hiệp) của Kim Dung. Ông muốn giải mộng cho độc giả, để họ hiểu rằng trên đời này thực chất không có hiệp.

Xã hội của Liên thành quyết chỉ có những kẻ giang hồ háo danh, tà đồ háo sắc, quan lại và người dân điên cuồng vì đồng tiền, khiến những người trung hậu như Định Vân và Thủy Sinh lâm vào cảnh không chốn nương thân.

deadly 4

 Trang bìa Liên thành quyết bản in năm 1985. 

Trận chiến giữa Huyết đao lão tổ và nhóm Giang Nam tứ hiệp Lục, Hoa, Lưu, Thủy (đọc chệch thành Lạc Hoa Lưu Thủy, nghĩa là nước chảy hoa rơi) chắc chắn khiến nhiều người đọc phải kinh tâm động phách. Trường đoạn đó không chỉ dữ dội, thảm khốc mà còn lột tả xuất sắc diễn biến tâm lý của nhân vật, vừa kỳ lạ vừa chân thực.

Sau khi thoát khỏi nhà tù, Địch Vân tình cờ bị ác tăng Bảo Tượng bắt, nhưng may mắn thoát chết, khi ra đi khoác trên mình tấm áo cà sa của hắn. Ai ngờ đó là tai ương, chàng bị Linh Kiếm song hiệp tấn công, bị gãy chân. Ác ma Huyết đao lão tổ tưởng Địch Vân là đồ tôn, giải cứu chàng và bắt cóc mỹ nhân Thủy Sinh.

Thủy Sinh là con gái Thủy Đại của Giang Nam tứ hiệp. Lục, Hoa, Lưu, Thủy ròng rã truy đuổi Huyết đao lão tổ và Địch Vân tới tận Đại Tuyết sơn. Tại đây, Huyết đao lão tổ thể hiện võ công và cơ trí tột bậc, đánh cho Giang Nam tứ hiệp hai chết một bị thương, tan tác như nước chảy hoa rơi, chỉ còn Hoa Thiết Cán trụ lại.

Anh hùng biến thành kẻ hèn hạ

Huyết đao lão tổ sở trường Huyết đao đao pháp biến hóa vô song, lại có trong tay cây Huyết đao chém sắt như bùn, nhưng trên thực tế võ công không hề vượt trội so với từng người trong nhóm Giang Nam tứ hiệp. Tuy nhiên lão cơ trí tuyệt luân, phản ứng thần tốc, khi đấu nội lực với Lưu Thừa Phong đã kịp tránh né, khiến Hoa Thiến Cán đâm thương thủng ngực người anh em.

Sau đó, lão tận dụng địa lợi (quen thuộc với băng tuyết), chém bay đầu Lục Thiên Trữ và chặt gẫy cả hai chân Thủy Đại, khiến Hoa Thiết Cán kinh hồn táng đởm. Trước đó lỡ tay đâm chết Lục Thừa Phong, tinh thần của Hoa Thiến Cán đã hoảng hốt, tâm lý hỗn loạn, do đó đánh mất ý chí chiến đấu, bị Huyết đao lão tổ áp chế tinh thần.

Cuối cùng Hoa Thiết Cán quỳ gối đầu hàng mà không biết rằng Huyết đao lão tổ đã sức tàn lực kiệt, sau đó hoàn toàn biến đổi, trở thành kẻ tiểu nhân vô sỉ, hèn hạ, tìm đủ mọi cách ám hại Địch Vân và Thủy Sinh. Đó thực sự là diễn biến khiến độc giả phải kinh ngạc.

kimyong 5

Hình vẽ minh họa tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tại cuộc triển lãm về tác giả ở Bảo tàng Di sản Hong Kong hồi năm 2017. (Ảnh: Hong Kong Government)

Bởi trong tiểu thuyết võ hiệp thông thường, các nhân vật thường chính tà phân minh, bị công thức hóa lộ liễu. Ngược lại, Kim Dung để cho một đại hiệp thực thụ qua cú sốc biến thành kẻ tà ác. Và ông đã mô tả tâm lý nhân vật đầy thuyết phục. Hoa Thiết Cán khi phát hiện Huyết đao lão tổ đã kiệt sức thì hối hận, nghĩ “hạng tham sống sợ chết, độc ác vô sỉ như mình thật không còn chốn dung thân”.

Đa phần nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, dù chính hay tà, đại hiệp hay tiểu nhân, vẫn luôn có vùng xám, có mặt tốt, có điểm xấu. Đó cũng là đặc điểm của con người thực tế. Và Hoa Thiết Cán cũng vậy. Anh hùng hay kẻ tầm thường thì ai cũng sợ chết, hắn run sợ trước Huyết đao lão tổ cũng là chuyện dễ hiểu.

Nhưng xã hội quá khứ (hay thậm chí cả hiện tại) có lẽ vẫn luôn coi thường những người tham sống sợ chết, nên mới đẩy Hoa Thiết Cán vào cảm giác “không chốn dung thân”, cuối cùng tâm lý thay đổi, trở thành kẻ tàn nhẫn, tìm đủ mọi cách hãm hại Địch Vân và Thủy Sinh, thậm chí ăn thịt của huynh đệ đã chết để giữ mạng sống.

Qua một trận đấu võ, Kim Dung có thể phơi bày tới tận cùng tâm lý của con người, đồng thời cho thấy góc nhìn phê phán đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc, ngòi bút của ông quả là nhất tuyệt, và cũng cho thấy ông am hiểu bản chất con người đến thế nào.

>>> Đọc thêm: Phận đời mỹ nhân thành danh từ phim kiếm hiệp Kim Dung: Người hạnh phúc viên mãn, kẻ tự tử vì tình

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn