• Zalo

Trần Bắc Hà: Những lần đồn đoán bị bắt, tạo 'con nợ khủng' cho BIDV

Kinh tếChủ Nhật, 03/06/2018 08:06:00 +07:00Google News

Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của BIDV, ông Trần Bắc Hà dính líu đến nhiều tai tiếng, đặc biệt là những lùm xùm liên quan đến đại án chấn động dư luận Phạm Công Danh.

Ông Trần Bắc Hà từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của BIDV từ năm 2008 đến năm 2016. Ông Hà bắt đầu vào làm việc tại BIDV vào tháng 2/1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.

Tháng 10/1999, ông là Phó tổng giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV. Như vậy, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV.

Ngày 1/9, BIDV có thông báo chính thức về việc ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của BIDV. Ông Trần Anh Tuấn được bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ 1/9/2016. Ông Tuấn sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV.

Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại BIDV, ông Trần Bắc Hà để lại nhiều dấu ấn, giúp cho BIDV có những thời điểm tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, vị cựu Chủ tịch BIDV này cũng vướng vào không ít những "tai tiếng", đặc biệt là những lùm xùm liên quan đến đại án chấn động dư luận Phạm Công Danh.

VN-Tran-Bac-Ha-1

Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà. 

Nghi án bị bắt giữ năm 2013

Tin đồn này bắt đầu từ tháng 2/2013. Thông tin ông Hà bị bắt giữ ngay lập tức gây xáo động tới tài chính tiền tệ thời điểm bấy giờ. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như Vn-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX- Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ trong chỉ 1 phiên giao dịch.

Thời điểm đó, ông Hà vẫn giữ thái độ bình tĩnh khi được hỏi những vấn đề liên quan đến sự việc này. Ông cho rằng, những kẻ tung tin đồn bịa đặt có thể kiếm được 500 – 700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính. 

Tạo ra con nợ 'khủng' cho BIDV

Trong 8 năm ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT BIDV, 3 doanh nghiệp vay ngân hàng nhiều nhất là Hoàng Anh Gia Lai, Hùng Vương và Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), tại ngày 31/12/2015, HAG có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAG với khoảng hơn 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

BIDV và công ty con cho Công ty Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vay 10.700 tỷ qua 2 cách: cấp tín dụng và phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo tài chính cuối năm 2016, Hùng Vương có dư nợ lớn nhất tại ngân hàng BIDV, lên tới gần 4.300 tỷ đồng, gồm cho vay, trái phiếu doanh nghiệp dài hạn. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn đến cuối kỳ còn hơn 3.699 tỷ đồng (bằng VND và USD), 700 tỷ đồng vay bằng trái phiếu (được HVG đảm bảo bằng nhiều cổ phiếu và một bất động sản tại TP.HCM).

Liên quan đại án Phạm Công Danh

Theo cáo trạng của VKS, ông Trần Bắc Hà được cho là đã ký duyệt chủ trương để BIDV cho 12 công ty do ông Danh giới thiệu vay 4.700 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp khoản vay bằng các lô đất ở sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Tuy nhiên, các lô đất này cũng được Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp ở VNBC để vay 5.000 tỷ. Sau đó, Phạm Công Danh dùng số tiền 2.600 tỷ trong khoản 5.000 tỷ để trả nợ BIDV.

Trước đó, BIDV và VNCB ký thỏa thuận hợp tác cùng tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng), thỏa thuận việc VNCB sẽ giới thiệu khách hàng, đối tác cho BIDV vào chuỗi liên kết này để ngân hàng này được cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng theo quy định. 

Sau đó, Phạm Công Danh đến hội sở BIDV đặt vấn đề xin cho khách hàng của VNCB là các doanh nghiệp sang BIDV vay vốn để kinh doanh vật liệu xây dựng và được lãnh đạo BIDV chấp thuận. Tổng số tiền cho 12 công ty vay là 4.700 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đánh dấu đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà; ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng với số tiền 4.700 tỉ đồng, giao thẩm quyền cho 4 chi nhánh: Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện cho vay và thu nợ theo quy trình của BIDV.

Video: Làm rõ vai trò của ông Trần Bắc Hà trong vụ cho Phạm Công Danh vay tiền

Xin vắng mặt tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh vì sang Singapore chữa bệnh

Ông Trần Bắc Hà được TAND TP.HCM triệu tập đến phiên tòa xét xử "đại án" VNCB vào ngày 15/1. Tuy nhiên, ông Hà không thể đến tòa theo triệu tập mà cho người nộp hồ sơ bệnh án bị ung thư và đang được điều trị tại Singapore.

Tuy nhiên, theo văn bản gửi cơ quan chức năng của bác sỹ Andrew C H See, Chuyên gia tư vấn phẫu thuật tại Trung tâm Phẫu thuật Andrevv See về trường hợp của ông Trần Bắc Hà thì ông Hà đang ở Singapore để chữa căn bệnh u tuyến giáp.

Điều khiến đại diện VKS nghi ngờ về tính xác thực của việc ông Hà đi Singapore chữa bệnh đó là các văn bản cho thấy ông Hà bị ung thư gan từ năm 2012, nhưng đến ngày được triệu tập đến phiên tòa thì lại xin vắng mặt để sang Singapore chữa bệnh.

Những giấy tờ mà người đại diện cho ông Hà gửi lên HĐXX chứng minh cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đang chữa bệnh tại Singapoe cũng cho thấy ông Trần Bắc Hà nhập cảnh vào Singapore ngày 7/1, một ngày trước khi phiên xử Trầm Bê - Phạm Công Danh diễn ra. 

Để làm rõ việc Trần Bắc Hà có đi nước ngoài chữa bệnh hay không, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX điều tra làm rõ tại cục xuất nhập cảnh.

Mai Tâm
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn