Thời gian gần đây, trên cơ sở đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp và phản ánh của báo chí, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiến hành điều tra và xử lý một loạt công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Thổi giá, thổi công dụng lừa đảo người dùng
Đầu tiên phải nhắc đến tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội, chuyên cung cấp mặt hàng thực phẩm chức năng. Sau hai lần xử phạt với số tiền gần 500 triệu đồng từ đầu năm đến nay, công ty chính thức bị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi giấy chứng nhận.
Nguyên nhân là Trường Giang vi phạm hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó, nghiêm trọng nhất là việc bán chênh lệch giá sản phẩm từ 50 đến 82 lần.
Cụ thể, mức giá sản phẩm Trường Giang nhập về tương đối rẻ, TruongGiang Liver 18.000 đồng, TruongGiang Calcium 12.000 đồng, TruongGiang Calcium Kid 12.000 đồng, TruongGiang Queen 12.000 đồng. Sau đó, công ty bán lại cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá 990.000 đồng (chưa có VAT). Mức chênh lệch giữa giá nhập – xuất bán từ 50 đến 82 lần.
Còn Absonutrix Việt Nam là một trong những công ty đa cấp bị rút giấy phép hoạt động do yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa nhất định.
Theo thông tin phản ánh trên báo chí, muốn tham gia vào Absonutrix, khách hàng phải mua gói tài chính trị giá gần 14,5 triệu đồng và trở thành nhà phân phối. Công ty thoả thuận sẽ trả tiền thưởng, hoa hồng, tiền vốn cho nhà phân phối tương ứng là 1,8 triệu đồng một tháng cho một mã tài chính. Số tiền sẽ chi trả làm 2 lần đến khi nhận đủ 35 triệu đồng một gói.
Tin vào giao kèo của công ty, nhiều người dân đã bỏ hàng tỷ đồng để mua trăm gói tài chính này. Tuy nhiên, kể từ khi ký hợp đồng, công ty chỉ trả thưởng 1-2 tháng đầu, sau đó không thấy đâu.
Nhiều nhà phân phối tố cáo không nhận được tiền trả thưởng. Trụ sở của Absonutrix cũng được chuyển nhưng không thông báo, gọi điện không có người nhấc máy. Tính đến nay tiền mua các gói tài chính của nhà phân phối vẫn bị Absonutrix giữ.
Hay vụ việc gần đây nhất là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần Japan Life Việt Nam cùng với số tiền phạt hơn 500 triệu đồng.
Cũng giống hai công ty trên, chiêu thức hoạt động của Japan Life Việt Nam là kêu gọi người dân bỏ tiền, mua sản phẩm để tham gia bán hàng đa cấp như một cách đầu tư tài chính với lãi suất lớn cùng với hàng loạt ưu đãi hứa hẹn ghi trên giấy.
Vì tin tưởng, có khách hàng sẵn sàng chi hơn 1 tỷ đồng để mua 13 sản phẩm gồm chiếc áo từ tính giá 290 triệu đồng, một chiếc gối 16 triệu đồng, đệm 160 triệu đồng...
Tuy nhiên, khi mua sản phẩm, khách hàng lại không biết đây là công ty đa cấp. Nghi ngờ chất lượng cũng như công dụng, khách muốn trả lại hàng nhưng công ty từ chối vì đã quá thời gian 30 ngày kể từ ngày khách nhận hàng.
Số người tham gia đa cấp giảm một nửa
Theo báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tính đến tháng 9/2016 đã giảm từ 67 xuống còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, giảm 57% so với gần 1,2 triệu người của cùng kỳ năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm, các công ty bán hàng đa cấp đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh không nên tập trung tổng kết những con số mà cần có những đánh giá toàn diện về tình hình thực tiễn của bán hàng đa cấp, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến địa phương, đến đời sống của người dân.
Theo Bộ trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh cần tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42 của Chính phủ cũng như khung khổ pháp lý quản lý bán hàng đa cấp.
Bình luận