(VTC News) - Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) sắp được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar.
Trao đổi với phóng viên chiều 30/1, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim - cho biết, nhiều thành viên trong ban thư ký Công ước Ramsar đã thống nhất công nhận Vườn Quốc gia Tràm Chim là khu Ramsar của thế giới.
Nếu được công nhận thì Tràm Chim là khu Ramsar thứ tư của Việt Nam sau Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) và hồ Ba Bể ở Bắc Cạn.
Vườn Quốc gia Tràm Chim nằm trên địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có diện tích trên 7.500ha, có hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng của vùng đất ngập nước với khoảng 130 loài thực vật gồm bông súng, sen, cỏ ống, năn, lúa ma...
Sếu đầu đỏ, một trong những loài chim có tên trong sách đỏ thường xuất hiện ở Tràm Chim.
Nơi đây thu hút hàng trăm loài động vật, trong đó có 198 loài chim nước, hàng chục loài cá. Đặc biệt là nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như sếu đầu đỏ, te vàng, bồ nông, gà đãy Java… xuất hiện nhiều ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Theo Công ước Ramsar được thông qua vào năm 1971 tại thành phố Ramsar (Iran) thì khu đất ngập nước để được công nhận là khu Ramsar cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, trong đó có những tiêu chuẩn về những loài động thực vật quí hiếm, đặc trưng, điển hình đóng vai trò hỗ trợ cho các hệ sinh thái đang bị đe dọa hay các loài có nguy cơ bị nguy hiểm hay cực kỳ nguy hiểm.
Việt Nam ký gia nhập công ước Ramsar vào năm 1989. Đây là công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là những nơi cư trú của những loài chim nước.
Diễm Hằng
Bình luận