• Zalo

Trầm cảm và lo âu gia tăng trong đại địch COVID-19: Nguy cơ mắc bệnh tim cao

Covid-19Thứ Tư, 17/11/2021 07:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo một nghiên cứu mới, bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến, trầm trọng hơn trong đại dịch và có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu tại hệ thống bệnh viện Intermountain Healthcare ở Thành phố Salt Lake (Mỹ) cho biết, bệnh trầm cảm vẫn phổ biến trong thời kỳ đại dịch và trở nên nghiêm trọng hơn đối với một số bệnh nhân. Điều này dẫn đến nhu cầu tăng cường phòng cấp cứu để điều trị chứng lo âu và đau ngực.

Các nhà khoa học nghiên cứu 4.633 bệnh nhân của Intermountain Healthcare. Những người tham gia đã được sàng lọc chứng trầm cảm trước và trong đại dịch COVID-19 (từ 1/3/2019 – 20/4/2021). Bệnh nhân được chia thành hai nhóm: những người không bị trầm cảm / đã khỏi bệnh trầm cảm, và những người vẫn bị trầm cảm/mới bị trầm cảm.

Trầm cảm và lo âu gia tăng trong đại địch COVID-19: Nguy cơ mắc bệnh tim cao - 1

Gần 40% bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã báo cáo các triệu chứng trầm cảm mới hoặc tiếp tục các triệu chứng cũ trong thời điểm đầu dịch.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những bệnh nhân trầm cảm, điểm số sàng lọc trầm cảm trong đại dịch cao hơn so với trước đó. Trầm cảm cũng liên quan đến việc gia tăng các chuyến thăm khám tại khoa cấp cứu vì chứng lo âu. Cụ thể, tỷ lệ điều trị ở phòng cấp cứu vì lo lắng ở những người bị trầm cảm cao hơn 2,8 lần so với những người không bị trầm cảm và cao hơn 1,8 lần đối với lo lắng kèm theo đau ngực.

Dẫn lời Tiến sĩ Heidi T. May, nhà dịch tễ học tim mạch tại Viện Tim mạch Intermountain Healthcare và là tác giả chính của nghiên cứu: “Trầm cảm làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh tim mạch và các vấn đề sức khỏe mãn tính khác. Nếu mọi người mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn trong đại dịch, thì trong một vài năm nữa, chúng ta có thể phải chứng kiến tỷ lệ mắc bệnh tim cao hơn.  Vì vậy điều này rất đáng quan tâm và cần thiết phải sàng lọc bệnh nhân cũng như cung cấp các nguồn lực về sức khỏe tâm thần”.

Các bác sĩ cần nhận thức sâu hơn về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân để có thể giải quyết và điều trị kịp thời nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống chung của họ, và hy vọng tránh phát triển các vấn đề sức khỏe khác trong tương lai. Điều này rất quan trọng vì đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Hơn nữa, cần phải theo dõi lâu hơn để xác định những tác động lâu dài tiềm tàng từ đại dịch có thể gây ra đối với sức khỏe tâm thần.

Ngày 13/11, các phát hiện từ nghiên cứu đã được công bố tại Phiên họp Khoa học trực tuyến năm 2021 của Hiệp hội Tim mạch (AHA) Mỹ. Nghiên cứu này là bằng chứng bổ sung về tác động tiêu cực của đại dịch đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

CTV Lương Trâm/VOV.VN(Nguồn: ScitechDaily)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp