• Zalo

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hút khách

Kinh tếThứ Sáu, 14/06/2019 12:00:00 +07:00Google News

Tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi ngân hàng đang mất dần sức hấp dẫn trước kênh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Theo khảo sát của phóng viên, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản hiện đang là kênh huy động vốn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Nếu như gửi tiết kiệm, mức lãi suất sẽ chỉ dao động từ 6,7 - 7%/năm, tính thanh khoản và linh động không nhiều. Thì trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lại có mức lãi suất cao hơn nhiều, từ 8 - 9%/năm. Những trái phiếu có thời hạn từ 24 tháng thì mức lãi suất có thể lên tới 10- 11%/năm.

Ngoài ra, tính thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp lại khá tốt. Nếu gửi tiết kiệm khách hàng phải đến đúng hạn mới được rút, thì gửi trái phiếu doanh nghiệp, khách hàng có thể rút tiền bất cứ thời điểm nào (thường từ sau 3 tháng gửi) với mức lãi suất cao hơn ngân hàng ở kỳ hạn tương đương.

trai phieu

 Trái phiếu bất động sản hút khách.

Ví dụ, khách hàng mua 1 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 1 năm, nhưng gửi được 8 tháng khách hàng cần rút ra  500 triệu đồng. Nếu gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 năm, khi khách hàng rút 500 triệu tức là cả 1 tỷ đồng khách gửi sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Nhưng nếu khách hàng mua trái phiếu thì khách hàng có thể bán 500 triệu trái phiếu, 500 triệu trái phiếu còn lại của khách hàng sẽ vẫn được hưởng lãi suất kỳ hạn 1 năm của trái phiếu. Còn 500 triệu khách bán sẽ được bán qua chợ trái phiếu với mức lãi suất thường cao hơn kỳ hạn tương đương của gửi tiết kiệm.

Nhờ mức lãi suất cao và tính thanh khoản cao, nên trái phiếu hiện đang là kênh huy động vốn khá lớn.

Theo thống kê của CTCP Chứng khoán MBS, trong 5 tháng đầu năm 2019, có 61.037 tỷ đồng trái phiếu DN đã được phát hành, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất lên tới 11-14,5%/năm.

Trong đó, nhóm ngành ngân hàng phát hành 17.600 tỷ đồng. Theo khảo sát, mức lãi suất trái phiếu phổ biến mà các ngân hàng đưa ra là 6,4-7,5%/năm, kỳ hạn thông thường từ 3 năm trở lên, nhiều nhất là 5 năm.

Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng phát hành 16,2 nghìn tỷ đồng, là nhóm ngành có lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm.

Nhóm các doanh nghiệp chứng khoán huy động 15.748 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành trái phiếu 5 tháng đầu năm, lãi suất coupon từ 8 – 11,3%, kỳ hạn phổ biến từ 1 – 3 năm.

Trước sự cạnh tranh của trái phiếu doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, lãi suất của nhiều ngân hàng cũng đã được tăng lên đáng kể, phổ biến ở mức 0,5-1%/năm.

Theo khảo sát tại các ngân hàng, mức lãi suất 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến từ 4,5-5,5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng từ 5,5-6,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.

Tuy nhiên, dù đã tăng, nhưng nếu so sánh với mức lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp thì mức tăng này vẫn chưa đủ lực để hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội, kênh đầu tư trái phiếu hiện đang khá "hot", khách hàng nhiều khi phải chờ đợi người bán, bởi lẽ trái phiếu doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có thể mua được.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn