Sau 2 năm vượt sóng gió do đại dịch COVID-19, đến giữa năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đà phục hồi kinh tế, thể hiện góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế; Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP tăng 10,8% trong quý 3 và 3,9% trong quý tư, cả năm đạt 6,7%; Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay mức 6,6% trước đây…
Những con số này phản ánh thành tựu và triển vọng phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, trong đó có sự điều hành, quản lý hiệu quả của Chính phủ trước những biến động khôn lường của thời cuộc.
Phân cấp, phân quyền chính xác thì nâng cao năng lực quản trị
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ khi mà trong bối cảnh khó khăn, kể cả đại dịch COVID-19 bùng phát thì tăng trưởng của Việt Nam chưa bao giờ ở mức âm, thấp nhất là trên 2%. Chính phủ điều hành rất năng động, nhanh nhạy và xử lý được những tình huống, năng động, linh hoạt sáng tạo.
Vai trò điều hành, quản lý của Chính phủ là tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước (đứng đầu là Chính phủ, tiếp đó là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã, các sở, phòng, ban…) theo những định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Trong đó yêu cầu đối với cơ quan thực hiện quyền hành pháp là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tập trung xây dựng Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”.
Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng ý tưởng về Chính phủ kiến tạo phát triển là tư duy đột phá, cần được coi trọng khi xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để có thể làm được điều đó thì Nhà nước phải có năng lực thực sự, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách. Nhà nước pháp quyền muốn làm được vai trò kiến tạo phát triển thì Nhà nước đó phải minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Trong nhiều nội dung về tổ chức bộ máy hành chính, một vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận là mối quan hệ và phân định thẩm quyền hay có thể gọi là quyền lực của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, những công việc gì thuộc thẩm quyền của Trung ương, những việc gì địa phương được chủ động làm. Nói gọn là tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện tối đa cho các địa phương phát triển.
Thực tế thời gian qua đã có các bước đi mạnh mẽ hơn, ví dụ như với Hà Nội có Luật Thủ đô, TP.HCM có Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. GS.TS Võ Khánh Vinh nhận định những biện pháp như vậy sẽ góp phần quan trọng để cơ quan thực hiện quyền hành pháp làm tốt hơn năng lực quản trị.
“Phân cấp, phân quyền càng đúng, càng chính xác thì càng nâng cao năng lực quản trị quốc gia, nâng cao các giá trị phát triển và phát huy năng lực sáng tạo của các địa phương trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước. Phân cấp, phân quyền hiện nay đã được nói rõ hơn trong văn kiện, song cần phải nói rõ hơn nữa phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực nào cụ thể, cơ chế như thế nào và dựa trên tiêu chuẩn gì”, GS.TS Võ Khánh Vinh nêu quan điểm.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng là một trong những định hướng của Chính phủ trong nhiệm kỳ này để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn nhấn mạnh: "Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”.
Cần cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh
Một trong những tiêu chí quan trọng của Nhà nước pháp quyền đó là đề cao vai trò công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động. “Công khai” nghĩa là mọi hoạt động của Nhà nước được công bố, phổ biến để nhân dân có thể tiếp cận được. “Minh bạch” là không gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận thông tin.
Minh bạch luôn gắn với trách nhiệm, đòi hỏi Chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức phải công khai quá trình thực hiện công việc. Ở góc độ này, minh bạch có mối quan hệ chặt chẽ với trách nhiệm, vì có trách nhiệm mới có xu hướng công khai và đảm bảo các điều kiện cho công khai.
Trách nhiệm giải trình được coi là một trong những yếu tố quan trọng của dân chủ, giúp thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước bao gồm nghĩa vụ cung cấp, lý giải thông tin và gắn với trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân giải trình.
Đây cũng là một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân; là điều kiện để nhân dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình với hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Giáo sư Hoàng Thế Liên phân tích rõ hơn: “Pháp luật chúng ta quy định để nhân dân nhận diện được trách nhiệm của từng người và có thể quy trách nhiệm được từng người. Trách nhiệm giải trình phải phá vỡ hai cơ chế lẫn lộn giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể. Mặc dù đang phát huy dân chủ và tập thể nhưng phải đề cao trách nhiệm cá nhân”.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Trước mắt là phải xây dựng được Luật giám sát và phản biện xã hội của nhân dân để bao quát hết tất cả các chủ thể vừa là cá nhân công dân, các tổ chức của nhân dân tham gia và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Khi có một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm, được người dân giám sát, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước thì hoạt động của bộ máy hành chính nói riêng, của Nhà nước nói chung càng hiệu quả.
Việc triển khai tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Phải tận dụng tối đa lợi ích từ chuyển đổi số với việc chỉ đạo, điều hành, giải quyết các hoạt động kinh tế- xã hội một cách đồng bộ, thuận tiện; với triển khai mạnh mẽ chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ.
Định hướng đó đang từng bước được hiện thực hoá để hoàn thiện bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và địa phương.
Bình luận