Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của EVN là âm 717 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái EVN lãi 888 tỷ đồng. Còn công ty mẹ thì lỗ 930 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lãi 450 tỷ đồng.
EVN thua lỗ dù doanh thu tăng đáng kể. Nguyên nhân là do chi phí tài chính trong kỳ bị đội lên quá cao.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm của EVN đạt 130.686 tỷ đồng, tăng 19.230 tỷ đồng, tương ứng 17,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính của EVN tăng tới 126% lên 3.352 tỷ đồng. Có lẽ phần lớn doanh thu tài chính của EVN đều đến từ cổ tức từ các công ty mà EVN góp vốn.
Các chỉ tiêu doanh thu đều tăng, thậm chí tăng mạnh nhưng EVN lại thua lỗ. Nguyên nhân là do chi phí tài chính trong kỳ tăng quá mạnh. Chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm của EVN lên tới 15.460 tỷ đồng, tăng 7.779 tỷ đồng, tương ứng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng khá lớn 44,6%. Với tổng số tiền 6.896 tỷ đồng trong 6 tháng, bình quân, mỗi ngày EVN phải trả 38,3 tỷ đồng tiền lãi vay. Như vậy, EVN đã vượt qua PVN để trở thành quán quân trong danh sách các “ông lớn” trả lãi tiền tỷ mỗi ngày. Sau mỗi đêm, PVN phải trả lãi ngân hàng khoảng 23 tỷ đồng.
Giống như nhiều ông lớn Nhà nước khác, chi phí lãi vay đang là gánh nặng với EVN. Thậm chí lãi vay còn “ăn mòn” cả lợi nhuận. Trong vài năm gần đây, tiền lãi mà EVN phải trả ngân hàng thường xuyên cao hơn lợi nhuận sau thuế.
Ví dụ, chi phí lãi vay trong năm 2015 và 2014 tại EVN lần lượt đạt 9.841 tỷ đồng và 11.100 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2015 và 2014 chỉ là 613 tỷ đồng và 525 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2016, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hợp nhất của EVN đạt lần lượt là 663.000 tỷ và 187.700 tỷ đồng.
Đây là kỳ bán niên tồi tệ nhất của EVN trong nhiều năm trở lại đây. Năm ngoái, dù lợi nhuận giảm sút mạnh nhưng EVN vẫn duy trì được lợi nhuận dương. 2013 là năm EVN thành công nhất khi lợi nhuận trước thuế đạt mức trên 10.000 tỷ đồng.
Trong biểu các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016, EVN không nêu rõ tổng doanh thu và lợi nhuận dự kiến. EVN chỉ công bố sản xuất kinh doanh điện sẽ đạt khoảng 219 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xây dựng là 133 tỷ đồng. Giá điện bình quân trong năm 2016 sẽ là 1.651,2 đ/kWh.
Bình luận