Kết quả, sau 2 năm, với số vốn đầu tư lên tới 2 tỷ đồng, sản phẩm trà hữu cơ nguyên bông của chị làm ra không đủ bán, mặc dù giá lên tới 5-10 triệu đồng/kg.
Chiều rảnh rỗi, chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1989) ở Tân Lập, Phú Thọ tranh thủ pha ấm trà hoa hồng nguyên bông chị vừa sấy xong để test (kiểm tra) lại hàng trước khi giao cho khách. Nhấp thử một ngụm, chị gật gù: “Trà chuẩn vị rồi, nhưng mình chỉ được thưởng hết ấm trà này thôi, còn chỗ kia khách đã đặt hết cách đây vài hôm”.
Trà chị Tuyết pha không phải là trà nụ hồng mà là hoa hồng nguyên bông. Để làm ra được loại trà hoa hồng nguyên bông hữu cơ này, chị mất 2 năm học hỏi, trồng thử mới thành công như ngày hôm nay.
Chị Tuyết tâm sự, trước kia chị là người đam mê trồng các loại hồng. Cũng chính vì lý do đó, chị quyết định bỏ công việc có thu nhập khá ổn định về trồng hoa, thậm chí đi vay nặng lãi lấy tiền trồng hoa hồng thỏa mãn sở thích của mình.
Trong quá trình trồng và buôn bán hoa hồng, chị tình cờ phát hiện cách làm trà hoa hồng hữu cơ nguyên bông của người Thái cực kỳ hấp dẫn. Từ đó, ngoài bán hoa hồng cảnh, chị cũng muốn phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ loại hoa này.
"Thực ra, cách đây 2 năm, lần đầu tiên tôi uống thử loại trà nụ hồng của Trung Quốc, thấy rất thơm. Ít lâu sau, tôi có dịp sang Thái Lan, vào các nhà vườn trồng hoa hồng hữu cơ của họ, được họ giới thiệu, cho uống thử loại trà nguyên bông thì mê luôn. Trà có mùi thơm, vị rất đặc biệt, bông hoa thả trong bình trà còn nguyên vẹn giống như đang khoe sắc trên những cành hồng trong vườn”, chị nói.
Sau lần đó, chị còn sang Thái Lan cả chục lần, mỗi lần ở vài ngày để tìm hiểu về các giống hoa hồng làm trà, cách trồng, cách thu hoạch, cách sấy,...
Nắm bắt được cách trồng và làm trà hoa hồng hữu cơ nguyên bông của người Thái, chị bắt đầu về quê thuê mảnh đất rộng 3.000 mét vuông để trồng các giống hồng, thử nghiệm xem nào loại phù hợp nhất. Cuối cùng, sau khi thử tới 30 giống, chị cũng chọn ra được 6 giống hồng có đặc điểm bông nhiều tinh dầu phù hợp với làm trà.
Thế nhưng, công việc khó khăn nhất chính là sấy trà sao cho nhiệt vừa đủ, trà hoa hồng sau khi sấy phải đảm bảo màu sắc giữ nguyên như hoa tươi vẫn còn đang trên cây.
“Mất một năm trời thử nghiệm, thất bại không biết bao nhiêu lần. Ngày nào cũng ra vườn hái hoa hồng vào sấy, sấy xong không ưng ý lại đổ bỏ. Cách đây không lâu, cuối cùng tôi cũng tìm ra được mức nhiệt để sấy hoa hồng cho ra thành phẩm ưng ý nhất”, chị nói.
Ngoài nhiệt độ sấy, muốn trà ngon thì thời điểm hái cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, hàng ngày chưa đầy 6 giờ sáng chị đã cùng người làm ra vườn hái hoa hồng đợt 1, đợt 2 hái vào khoảng 9 giờ sáng.
Chọn hai thời điểm này vì lúc đó hoa hồng nở đúng độ, phần nhụy vừa hé ra chút xíu, đảm bảo độ thơm cho trà. Còn hái sớm quá, trà sẽ không thơm, mà hái bông lúc đã nở bung ra trà vừa không thơm, cánh hoa cũng không đẹp.
Chỉ vào vườn hoa hồng rộng bạt ngàn đang đâm chồi nảy lọc, bung nở hoa ngay trước mắt mình, chị Tuyết cho hay vườn hồng đang cho thu hoạch bông chỉ rộng 3.000 mét vuông, còn lại các vườn hoa hồng hữu cơ khác của chị, với diện tích khoảng 3ha, phải đợi tầm 2 tháng nữa mới cho bông làm trà.
Hiện mỗi ngày, vườn 3.000 m2 cho hoa không được nhiều, sản phẩm làm ra không đủ bán cho khách đã đặt. Chị chia trà vào các lọ nhỏ, bán với giá từ 180.000-200.000 đồng/lọ tùy loại. Tính ra, 1kg trà hoa hồng hữu cơ nguyên bông của chị có giá dao động từ 5-10 triệu đồng/kg.
“Khách lẻ đặt nhiều, khách là các quán trà đặt mua sỉ cũng nhiều không kém. Nhưng bây giờ sản phẩm ít thì ưu tiên bán lẻ trước. Đợi vườn 3ha cho thu hoạch, lúc đó sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của khách”, chị chia sẻ.
Song, để có được thành quả như bây giờ, bao nhiêu tiền của tích cóp của chị từ trước đến nay đều dồn hết vào thuê đất, mua 10.000 cây hồng về trồng, mua máy sấy, thuê người làm,... đến giờ, số tiền đầu tư đã lên tới khoảng 2 tỷ đồng. Cũng may, vườn hồng bắt đầu cho thu hoạch và chị có sản phẩm trà bán như hiện nay.
Bình luận