“Văn hóa” ngồi xổm
Khi ngồi trên giảng đường, một thầy giáo đáng kính có lần từng nói với đám sinh viên suốt ngày “chém gió” ở mấy quán trà đá, đại ý: Trà đá là ngồi xổm – mà ngồi xổm là hình thái sinh hoạt và tâm thức đậm chất tiểu nông, mang cái tư duy lạc hậu từ bao đời đó đến xã hội văn minh, thì có vẻ thiếu hợp lý.
Ngẫm cũng đúng, dăm ba chiếc ghế thấp tè, vài chiếc cốc – có khi còn được để trên những viên gạch lổng chổng giữa đường, một ấm trà, thế là thành quán trà đá. À, nhất định không thể thiếu một chiếc điếu cày “công cộng”, cả trăm ông cùng ghé vào hút nữa.
Khắp hang cùng ngõ hẻm của Thủ đô, từ những con ngõ chật chội 2 người lao động mặc áo may ô phải nhường nhau mới đi nổi, đến những tuyến phố rộng thênh thang cao ốc hiện đại toàn nam thanh nữ tú ăn vận chỉnh tề thơm tho đẹp đẽ, thứ dễ tìm nhất là quán trà đá, tạt vào bất cứ chỗ nào cũng kiếm được cái ghế nhựa và cốc nước để ngồi. Có người còn ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối để lẩm nhẩm tính toán, vì đa số quán trà đá kiêm luôn dịch vụ ghi lô đề.
“Văn hóa” ngồi xổm tiểu nông tưởng thoát thai từ kiếp nào, rầm rộ trở lại như một thứ văn hóa được ưa chuộng trong thời hiện đại.
Bến tàu bến xe còn xuất hiện loại hình bán trà đá rong, trên tay vung vẩy cái làn, có phích nước đựng trà pha sẵn, vài cái cốc, chào mời, đợi khách uống xong hất luôn nước xuống chân.
Thế rồi một ngày kia, cái lối ăn uống tùy tiện giữa ồn ào và bụi bặm đó bỗng được nâng tầm tự phong thành “nét văn hóa” của người Thủ đô, nhất là của giới trẻ. Từ trà đá có biến thể thêm trà chanh, trà quất, trà sả, trà đào…ngồi cắn với đĩa hướng dương nữa là “chuẩn” trào lưu.
Không chỉ có người lao động chân tay, mà phần lớn quán trà kiểu đó được giới trẻ ưa chuộng. Những vỉa hè thênh thang ở ngã ba ngã tư đường phố lớn nhất nhì Thủ đô, trước những cổng trường đại học toàn tri thức tương lai, buổi tối trở thành “thiên đường” để người trẻ tụ tập, rảnh rỗi, ồn ào và ầm ĩ như một khu chợ lớn.
“Văn hóa” ngồi xổm tiểu nông tưởng thoát thai từ kiếp nào, rầm rộ trở lại như một thứ văn hóa được ưa chuộng trong thời hiện đại.
Bệ rạc
Trước khi tự phong trà đá vỉa hè là “nét văn hóa”, phải gọi là nó là loại hình đồ uống “lưu động” mới đúng. Lưu động vì sao? Vì chủ yếu người bán hàng đang lấn chiếm vỉa hè, nên mỗi lần đội cảnh sát trật tự khu vực đi kiểm tra là cuống quýt chồng ghế lên chạy tán loạn bất cứ chỗ nào có thể chạy. Khách đang uống dở cốc nước cũng nháo nhào ra bãi dựng xe đạp xe máy – cũng lấn chiếm lòng đường mà chạy cho kịp trước khi bị phạt.
Đi trên đường phố, nhận thấy ngay đâu là nơi thường bán trà đá - đó là những mảng vìa hè loang lổ, ố vàng sau khi người khách đứng dậy, cốc nước uống thừa được hất toẹt ra đường, kèm theo đó là đầu mẩu thuốc lá, vỏ kẹo lạc, tàn thuốc lào, bã chè vương vãi, thậm chí cả “phế phẩm” của việc khạc nhổ.
Lối ăn cắp vỉa hè và bán hàng chộp giật tạm bợ, ý thức bừa bãi của những quán trà đá nhan nhản khắp Hà Nội, khiến bộ mặt Thủ đô bệ rạc đến thảm thương.
Trong khi nhiều nước trên thế giới đã đi qua giai đoạn thay thế vỉa hè nhếch nhác bằng không gian văn minh hơn cách đây cả vài chục, đến hàng trăm năm, thì chúng ta vẫn loay hoay vật lộn với việc giải quyết mâu thuẫn cho câu hỏi “gọn gàng ngăn nắp hay mưu sinh?”.
Cái lý do mưu sinh bằng sống bám vào vỉa hè, cả chục năm nay vẫn được đưa ra để “ăn vạ” xã hội, gào khóc cho lý do không thể đưa thành phố sạch sẽ và trật tự hơn. Đến giờ, mưu sinh có vẻ vẫn là lá chắn ngụy biện hiệu quả, khi chính quyền thành phố không có phương thức nào hợp lý để giải quyết mâu thuẫn này. Không giải quyết được, thì đành phải chấp nhận.
Mà suy cho cùng, cái thứ văn hóa ngồi xổm tiểu nông lạc hậu, cũng chỉ thích hợp để nói những câu chuyện thấp hèn. Ngồi một nơi nhìn quanh chỉ thấy nhếch nhác, thì tư duy văn minh, và tử tế thoát ra bằng cách nào? Để bộ mặt thành phố để bệ rạc như vậy, chính quyền thành phố, cũng đừng đòi hỏi những điều to tát hơn.
Clip: Sự thật việc dùng nước rửa chân pha trà đá cho khách
Bình luận