Nội dung trên được nêu trong quyết định 3900 về quy định tạm thời các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên địa bàn" vừa được UBND TP.HCM ban hành chiều 16/11.
Theo quy định, nếu TP.HCM đạt cấp độ 1, xe ôm công nghệ chở khách được hoạt động nếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nếu dịch ở TP.HCM đạt cấp độ 2, loại hình này sẽ hoạt động hạn chế với không quá 50% số xe của từng đơn vị và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Sở GTVT.
Nếu dịch TP.HCM ở cấp độ 3, 4, xe ôm công nghệ chở khách không được phép hoạt động.
Xe ôm truyền thống sẽ hoạt động đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Sở GTVT khi TP.HCM cấp độ 1. Nếu TP.HCM ở cấp độ 2, 3, 4 thì xe ôm truyền thống không được hoạt động.
Loại hình vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải đảm bảo phòng chống COVID-19 hoạt động theo quy định của Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM (trừ giãn cách chỗ ngồi trên phương tiện) nếu thành phố cấp độ 1.
Nếu dịch TP.HCM ở cấp độ 2, loại hình này sẽ hoạt động khi đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, giãn cách người trên các phương tiện.
Nếu dịch TP.HCM ở cấp độ 3, các phương tiện trên hoạt động tối đa không quá 50% số chuyến hoặc bố trí không quá 50% số phương tiện hoạt động, trừ xe phục vụ vận chuyển người bệnh, người dân cách ly y tế và các nhiệm vụ khác theo hướng dẫn của Sở GTVT. Khi hoạt động phải đáp ứng theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, đặc biệt lưu ý việc tuân thủ nguyên tắc 5K và vận chuyển không quá 50% số người trên phương tiện.
Trường hợp TP.HCM ở cấp độ 4, sẽ dừng hoạt động vận tải khách bằng xe buýt, tuyến cố định, xe trung chuyển, vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch, vận tải khách thuỷ nội địa và hàng hải.
Xe taxi, xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử, xe vận chuyển công nhân và chuyên gia, xe phục vụ vận chuyển người bệnh, người dân cách ly y tế và các nhiệm vụ khác được hoạt động theo hướng dẫn của Sở GTVT. Khi hoạt động phải đặc biệt lưu ý việc tuân thủ nguyên tắc 5K và vận chuyển không quá 50% số người trên phương tiện.
Sở GTVT thông báo tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn TP.HCM phù hợp với cấp độ dịch được công bố.
Quyết định cũng nêu rõ, nếu TP.HCM cấp độ 1 thì loại hình vận tải khách đường hàng không và đường sắt được hoạt động.
TP.HCM đạt cấp độ 2 sẽ theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động GTVT an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM; cấp độ 3 hoạt động theo kế hoạch, hướng dẫn của Bộ GTVT.
TP.HCM cấp độ 4, vận tải đường hàng không và đường sắt hoạt động hạn chế theo yêu cầu cấp bách, công vụ và các trường hợp đặc biệt khác.
Quyết định cũng chỉ rõ, hoạt động vận tải hàng hoá tại TP.HCM hoặc từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố và ngược lại được lưu thông thông suốt theo hướng dẫn của Bộ GTVT nếu thành phố cấp độ 1, 2, 3. Khi lưu thông trong khu vực nội đô thành phố phải tuân thủ theo Quyết định số 23 của UBND TP.HCM.
TP.HCM cấp độ 4, người vận chuyển hàng bằng xe mô tô sử dụng công nghệ đăng ký chỉ hoạt động trong khu vực TP.HCM theo diễn biến của dịch COVID-19. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở GTVT thống nhất số lượng phương tiện của từng đơn vị tham gia lưu thông trong cùng một thời điểm và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với hoạt động này.
Người dân khi lưu thông ngoài thực hiện 5K phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển.
Trường hợp TP.HCM cấp độ 3 khi di chuyển liên tỉnh phải đáp ứng yêu cầu về tiêm vaccine và xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố nơi đến.
TP.HCM cấp độ 4 thì hạn chế di chuyển liên tỉnh. Khi di chuyển liên tỉnh phải đáp ứng yêu cầu về tiêm vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm và tuân thủ các biện pháp giám sát y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tỉnh, thành phố nơi đến.
Bình luận