• Zalo

TP.HCM: Tay chân miệng nguy cơ bùng phát

Sức khỏeThứ Năm, 08/05/2014 06:48:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong khi sởi vẫn còn hoành hành thì hàng loạt bệnh nguy hiểm khác như: tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát.

(VTC News) - Trong khi sởi vẫn còn hoành hành thì hàng loạt bệnh nguy hiểm khác như: tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát.

Sởi chưa hạ nhiệt
Thông tin từ các bệnh viện cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. HCM số ca sởi nhập viện điều trị giữ mức cao khi hàng ngày có khoảng 80 – 90 ca nhập viện vì nhiễm sởi. 
Trung bình một ngày bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM điều trị nội trú cho 50 – 60 ca bệnh. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, hiện nay các bệnh viện tập trung phân luồng bệnh nhân, những bệnh nhân nhẹ được tư vấn điều trị tại cộng đồng để tránh lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện.

Bệnh nhi điều trị sởi tại bệnh viện Nhi đồng 2 
Ngày 7/5, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay có hơn 1.300 ca sởi nhập viện điều trị, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái các bệnh viện chỉ ghi nhận 1 trường hợp sởi nhập viện. Bệnh sởi bắt đầu tăng nhanh từ tháng 2. Riêng trong tháng 4, dịch sởi bùng phát mạnh với 220 phường xã trên địa bàn thành phố có ca mắc sởi với số nhập viện điều trị là 645 bệnh nhi. 
Trước tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp khi không có giới hạn về độ tuổi, Bộ Y tế đã chỉ đạo thành phố tăng cường tiêm vét vắc xin, đồng thời mở rộng số tuổi tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ dưới 10 tuổi. Dự kiến, chương trình tiêm chủng này sẽ bắt đầu từ ngày 16/5 đến hết tháng 7/2014. Mở rộng điểm tiêm chủng tại cơ sở y tế, trường học và ở cộng đồng. Theo đó, có 250.000 – 300.000 trẻ được tiêm ngừa sởi trong dịp này. 
Tay chân miệng tăng cao 
Không riêng gì dịch sởi hoành hành, hiện nay bệnh TCM, sốt xuất huyết đang tăng cao và có bùng phát. Nói về tình hình bệnh TCM, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khẳng định, bệnh TCM đang bước vào đỉnh dịch hằng năm nên số ca mắc tăng nhanh. 
Chỉ trong tháng 4 đã có 708 trường hợp phải nhập viện điều trị, chưa kể số lượt bệnh nhi nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ được điều trị ngoại trú. Trong tháng 4, tại tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có số ca bệnh TCM gia tăng so với tháng trước.

Sởi chưa có dấu hiệu chững lại, TCM có nguy cơ bùng phát 
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, số ca mắc TCM nhập viện trong tháng 4 là 429 ca. Đây là con số không so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên so với tháng 3 thì số ca TCM nhập viện trong tháng 4 tăng 145 ca. 
Hiện nay số ca mắc bệnh tay chân miệng đang phải nằm điều trị tại khoa Nhiễm của bệnh viện là 41 ca. Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1, số ca mắc bệnh TCM phải nhập viện đang tăng dần lên. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 50 ca mắc bệnh, trong đó có một trường hợp bị biến chứng nặng gây tổn thương thùy não.

Đặc biệt, khoa Nhiễm của bệnh viện đang tiếp nhận điều trị nội trú 30 trường hợp viêm màng não, trong khi đó thông thường chỉ tiếp nhận khoảng 5 – 7 ca. 
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, đến nay có 236 phường – xã ở 24 quận – huyện đều có ca mắc bệnh TCM. Quận – huyện có số ca mắc bệnh TCM nhiều nhất vẫn là quận 8, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi. 
Quận 8 được xem là quận đứng đầu khi có số ca TCM cao nhất. Theo đó, bệnh TCM trong tháng 3 và tháng 4 tăng gấp 3 lần so với các tháng trước. Lý giải về điều này, ông Trần Đình Phong, Trung tâm Y tế Dự phòng quận 8 cho biết, mặc dù quận đã thực hiện tốt công tác phòng – chống bệnh nhưng bệnh vẫn gia tăng.

Nguyên nhân sâu xa là do hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường ở một số nơi trên địa bàn quận còn thấp kém, ý thức người dân chưa cao.
Trước tình hình nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ bùng phát ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, Sở Y tế sẽ trực tiếp làm việc với các quận - huyện có số ca bệnh cao  như: Thủ Đức, quận 8, Bình Tân, Bình Chánh... để đưa ra các biện pháp cụ thể trên từng địa bàn dân cư tránh tình trạng triển khai phòng chống dịch dàn trải nhưng hiệu quả không cao.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhiều loại dịch bệnh đang gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, từ đầu năm đến nay số trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết là 2.600 ca (tăng 27,7%), tay chân miệng (TCM) 2.900 ca, (tăng 27%), viêm não virus 116 ca, tăng  61%, thủy đậu 509 ca, tăng 200%... so với cùng kỳ năm ngoái. 



Duy Hân - Sỹ Hưng



Bình luận
vtcnews.vn