Trước đó, sau khi làm việc với TP.HCM vào tháng 6/2016, ngày 29/7/2016 Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có thông báo kết luận trước những đề xuất của TP.HCM.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đồng ý cho TP.HCM thực hiện hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện đánh giá chung trên diện rộng theo quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh; giao quyền chủ động cho các trường trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông quốc gia do Bộ GD-ĐT ban hành, TP.HCM được tổ chức biên soạn những nội dung giáo dục về đặc điểm lịch sử, văn hóa kinh tế-xã hội của thành phố.
Trên nguyên tắc “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, thành phố có thể tổ chức biên soạn sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục, trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng tại các cơ sở giáo dục của thành phố cũng như các tỉnh, thành phố khác tham khảo lựa chọn, sử dụng.
Ngoài ra, Bộ cũng đồng ý cho thành phố thí điểm tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của học sinh theo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết (không xét hoàn thành theo cơ cấu điểm số như hiện nay).
Các trường CĐ, TCCN được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo, giáo trình tiên tiến (phù hợp) từ nước ngoài để giảng dạy và có thể dạy một phần hay toàn bộ chương trình bằng tiếng nước ngoài.
Bình luận