• Zalo

TP.HCM sẽ di dời hơn 16.000 căn nhà trên kênh rạch

Bất động sảnThứ Năm, 06/12/2018 12:53:00 +07:00Google News

Theo kế hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành việc di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, đến năm 2021 di dời thêm 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Mới đây, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, đơn vị vừa hoàn tất Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020. Theo chương trình này, thành phố sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch.

Mục tiêu được thành phố đưa ra là đến năm 2020, thành phố sẽ cố gắng hoàn thành việc di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Đối với việc cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ, trong giai đoạn này, TP.HCM sẽ hoàn thành việc xây dựng 3 chung cư với quy mô 1.414 căn hộ; khởi công và thi công xây dựng 26 chung cư với quy mô dự kiến 4.500 căn hộ.

nnn

 Đến năm 2020, TP.HCM sẽ cố gắng hoàn thành việc di dời 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025. (Ảnh: Tuệ Lâm).

Đồng thời, thành phố sẽ hoàn thành di dời 936 hộ dân của 15 chung cư cũng như hoàn thành di dời cụm chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) và cụm lô số chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh); đồng thời thực hiện kiểm định đối với 449 chung cư và sửa chữa,cải tạo 151 chung cư cũ.

Các UBND quận/huyện được giao, phải tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường, hẻm gồm: nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và nước thải, đèn chiếu sáng công cộng cho hẻm, trụ cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy, thu gom rác thải...

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định thành lập Ban Điều hành Chương trình hành động Chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến làm Trưởng ban.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, một trong những khó khăn lớn nhất hiện vẫn là nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho chương trình trên. Nhu cầu vốn khoảng 25.745 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP.HCM chỉ có 2.508 tỷ đồng, cần phải huy động hơn 23.000 tỷ đồng nữa mới đủ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn