• Zalo

TP.HCM phải làm gì để không mãi bị nổi danh là 'thành phố của cướp giật'?

Thời sựThứ Năm, 17/05/2018 07:48:00 +07:00Google News

Đã đến lúc thành phố phải có bước chuyển mình trong công tác phòng chống tội phạm, thiết lập lại kỷ cương phép nước, dựng lại niềm tin cho dân, để TP.HCM không bị nổi danh là 'thành phố của cướp giật'.

Vụ bọn trộm truy sát thương vong 5 hiệp sĩ vừa qua gây kinh hoàng trên cả nước trước sự hung hãn manh động của tội phạm TP.HCM. Mức báo động đã lên đến đỉnh điểm, phản ánh hòn ngọc Viễn Đông giờ đây đã trở thành miền đất dữ, đe dọa thiện chí của bất cứ ai muốn đến làm ăn sinh sống đóng góp cho sự giàu mạnh của thành phố này.

cuop giat 2 3

Nhiều người vẫn nhắc đến TP.HCM là 'thành phố của cướp giật'.

Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày 15/5 vừa qua, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh lại cho rằng tình trạng cướp giật ở thành phố này đã giảm!

Điều này xem ra khó thuyết phục bởi mâu thuẫn với logic tội phạm giảm tức là tội phạm đang bị trấn áp thì lại không thể dám hung hãn đến mức truy sát làm 5 người chết và bị thương như vừa rồi.

Cướp nhiều đến mức người ta phải thốt lên: Cứ ra đường là gặp cướp.

Mọi người vẫn chưa quên ngày 19/4, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh tên cướp kéo lê cô gái trên đường khi mọi người đang lái xe dừng chờ đèn đỏ tại một giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM). Đối tượng kéo chị T. lê trên đường khoảng 50m và khi chị T. buông tay ngã xuống đường, tên côn đồ này đã bỏ trốn.

Không chỉ ra đường mới gặp cướp mà người TP.HCM ngồi trong nhà cũng bị cướp.

Cũng phải kể đến vụ việc ngày 17/10/2017, khi một người phụ nữ đang ngồi trong nhà ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) thì có một nam thanh niên đi xe gắn máy chưa rõ lai lịch xông đến và dùng hung khí đâm nạn nhân 9 nhát vào nạn nhân rồi cướp đi một điện thoại và một nhẫn vàng tẩu thoát.

Video: Tên cướp kéo lê cô gái 50 mét trên đường phố Sài Gòn

Mức độ hung hãn như vậy chứng tỏ chúng có tâm lý coi thường các cơ quan bảo vệ pháp luật. Như vậy, làm sao mà tội phạm đã giảm đi được? Có chăng chỉ là tội phạm hoành hành quá mà chính quyền bất lực, khiến người dân mất niềm tin nên chẳng buồn trình báo nữa vì không có hy vọng.

Những người dân lam lũ tất tả với công việc mưu sinh bận rộn vẫn còn lao ra làm hiệp sĩ đến nỗi mất mạng như vừa qua đã đủ để nói lên sự thật về tình hình an ninh ở đây.

Với cái danh tiếng "thành phố củ cướp giật", vấn đề ngăn chặn tội phạm đã trở nên cấp bách với cả hệ thống chính trị TP.HCM, là vấn đề sống còn của thành phố trong công cuộc thu hút các nguồn lực phát triển về thành phố này.

Công tác phòng chống tội phạm vốn là sự kết hợp chặt chẽ của nhiều lĩnh vực quản lý, hành động. Từ việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu, theo dõi lí lịch, hoạt động nghề nghiệp của từng cá nhân, cho đến nắm bắt, phát hiện biểu hiện bất thường của từng cá nhân.

Nếu lực lượng chức năng làm tốt, có sự phối hợp giữa các đơn vị thì tội phạm mới manh nha đã bị dập tắt chứ không phải hoành hành như chốn không người. Tình trạng tội phạm lộng hành như vậy chứng tỏ các đơn vị chưa làm hết trách nhiệm của mình, thiếu sự phối hợp nhanh chóng hiệu quả đã tạo những khoảng trống lớn cho tội phạm hoạt động.

Công tác phòng chống tội phạm của TP.HCM nhất thiết phải được tổ chức lại sao cho chặt chẽ, không còn khoảng trống nữa. Bắt đầu từ công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu phải gắn chặt với theo dõi lí lịch để nắm bắt tội phạm có thể từ nơi khác đến.

Các hoạt động bất thường phải được phát hiện để báo tin an ninh. Khi đời sống của ai có khó khăn vướng mắc gì, khu dân cư phải kịp thời nắm được và động viên họ, đề xuất tới các ban ngành, đoàn thể phối hợp giải quyết để ngăn ngừa họ phạm tội.

Toàn thành phố xây dựng một mạng lưới cung cấp thông tin an ninh dày đặc với sự tham gia của toàn bộ các tầng lớp nhân dân, các hộ gia đình, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn.

Các hoạt động bất thường được phát hiện sẽ báo về trung tâm xử lý thông tin an ninh của thành phố. Trung tâm sẽ chỉ huy xuống công an cơ sở nơi xảy ra hoạt động nghi vấn để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn tội phạm.

Riêng đối với tội phạm cướp giật, có đặc điểm là xảy ra chớp nhoáng, tháo chạy rất nhanh ra các tuyến đường liên tỉnh. Để đặc trị loại tội phạm này, nhất thiết phải lập các chốt chặn an ninh liên ngành như 141 ở Hà Nội.

Khi có tin báo cướp giật về trung tâm xử lý thông tin, theo hướng di chuyển của tội phạm, trung tâm sẽ chỉ huy xuống các chốt an ninh hướng đó để chặn phương tiện nghi vấn rồi kiểm tra bắt giữ tội phạm.

Tốt hơn nữa, mỗi xã phường nên lập một tổ tuần tra liên tục, dẫn đầu là cảnh sát hình sự đặc nhiệm còn lại là trọng dụng các hiệp sĩ vào đội tuần tra.

Khi có đội tuần tra kèm cảnh sát hình sự liên tục "quần thảo" ngoài đường như vậy, tội phạm cướp giật sẽ không dám manh động, Nếu chúng liều lĩnh phạm pháp sẽ bị tổ tuần tra phát hiện, truy đuổi và bắt giữ kịp thời.

Đã đến lúc không thể chậm trễ hơn, chính quyền thành phố phải có bước chuyển mình trong công tác phòng chống tội phạm, thiết lập lại kỷ cương phép nước để dựng lại niềm tin cho nhân dân và du khách, nhà đầu tư.

Có như vậy "hòn ngọc Viễn Đông" mới có thể trở thành hiện thực.

Video: Không thể chống tội phạm chỉ bằng tinh thần hiệp sỹ

Phạm Mạnh Hà
Bình luận
vtcnews.vn