(VTCNews) – Hàng loạt các giải pháp đã được đặt ra để trị "hung thần" xe buýt như lập làn đường riêng, tăng cường xử phạt, lập đường dây "nóng", chấn chỉnh tác phong, đạo đức nhân viên….
Ngày 21/3, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ báo giới xung quanh các vấn đề tồn tại của hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông Dương Hồng Thanh – Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 cho tới nay, tại TP.HCM đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe buýt, làm 2 người tử vong, 8 người bị thương.
So với cùng kỳ của năm 2013, số vụ tai nạn tăng, số người chết cũng tăng, nhưng số người bị thương không tăng.
Xe buýt trong vòng vây 'rừng' xe cộ ở TP.HCM dễ gây xung đột về giao thông (ảnh: T.Quân)
Về nguyên nhân của hiện tượng này, ông Thanh cho rằng có cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Chỉ ra những yếu tố khách quan, ông Thanh thừa nhận là do các phương tiện giao thông cá nhân (nhất là xe máy) ngày càng gia tăng, diện tích mặt đường ở TP.HCM không tăng, xe buýt chưa được có làn đường dành riêng cho mình, lưu thông bên trái mà lại đón trả khách tại trạm bên phải, trong làn đường hỗn hợp…
Bên cạnh đó, còn xảy ra việc một số tài xế xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chấp hành chưa tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Để ưu tiên phát triển hình thức vận tải hành khách công cộng, UBND TP.HCM đã dành một số quyền ưu tiên riêng cho xe buýt. Thế nhưng, rất nhiều tài xế xe buýt đã lạm dụng quyền ưu tiên này, làm nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông cho người đi trên đường luôn gia tăng.
“Ưu tiên là vậy, nhưng xe buýt cũng là một thành viên tham gia giao thông trên đường, có nghĩa là cũng phải chấp hành tốt luật giao thông. Nếu có vi phạm, hoặc từ hành vi vi phạm này dẫn đến hậu quả đáng tiếc, đương nhiên người tài xế phải chịu trách nhiệm trước tiên…” – ông Thanh khẳng định.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng đã chính thức bác bỏ một số thông tin cho rằng, tài xế xe buýt sẽ bị phạt tiền vì về bến chậm.
Phó Giám đốc Sở này nêu: “Chỉ khi nào tài xế về bến chậm hơn thời gian quy định đến 60 phút mới bị phạt tiền, nên không có chuyện đổ thừa tài xế do bị áp lực về tài chính nên chạy ẩu, gây tai nạn được”.
Hiện trường một vụ tai nạn thương tâm có liên quan đến xe buýt (Ảnh: T.Quân)
Trong thời gian sắp tới, để chấn chỉnh ‘hung thần’ xe buýt, hàng loạt các biện pháp đã được cơ quan quản lý đưa ra như: tăng cường các nhân viên đi ghi hình để xử phạt, giám sát tốc độ của xe buýt qua thiết bị định vị, thiết lập đường dây ‘nóng’ để người dân phản ánh tình trạng xe buýt chạy ẩu..
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến việc trùng lắp các tuyến xe buýt, ông Dương Hồng Thanh cho rằng: Việc trùng lắp các luồng tuyến xe buýt là có, nhưng vẫn ở mức độ cho phép. Trong thời gian vừa qua, Sở đã liên tục khảo sát, điều chỉnh các tuyến bị trùng, tránh gây lãng phí nguồn nhân lực và phương tiện.
Qua khảo sát, hơn 70% người dân thường xuyên sử dụng xe buýt mong muốn phương tiện này đi về đúng giờ, đạt được tốc độ hợp lý.
Trước tình trạng hệ thống hạ tầng dành cho giao thông như ở TP.HCM hiện nay, trong năm 2015, TP.HCM sẽ đề xuất từng đoạn đường nhỏ dành riêng cho xe buýt khai thác, để đạt tốc độ hợp lý hơn.
Đồng thời, TP cũng đề xuất lên trung ương phương án đưa vào hoạt động các loại xe buýt cỡ nhỏ (từ 12 – 16 chỗ) dành cho các tuyến đường khoảng 7m, có khúc cua hoặc đi qua những cầu có tải trọng khoảng 5 tấn trở xuống.
Nhiều giải pháp khác cũng được đặt ra nhằm đưa xe buýt thân thiện hơn đối với mọi người dân như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành, sớm triển khai toàn diện hệ thống vé điện tử…
Tuy nhiên theo ghi nhận của báo giới, các giải pháp đưa ra đều chưa mang tính đột phá để sớm có thể thực hiện nhanh chóng.
Thế Quân
Bình luận