(VTC News) – TP.HCM không thừa nhận, xem mại dâm là một nghề và sẽ đề xuất xử lý cả người mua và bán dâm.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM ông Trần Trung Dũng trong phiên chất vấn của các đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII tham dự kỳ họp lần thứ 10 chiều 12/7.
Thời gian gần đây, tình trạng mại dâm ngày càng có nhiều biến tướng, tinh vi khó lường, hình thức trá hình, gây nhiều bức xúc cho các đại biểu HĐND TP.HCM.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đề nghị: Cần xem mại dâm là vấn đề trọng điểm của Thành phố. Còn đại biểu Trần Văn Bá thì lo lắng: TP.HCM làm chưa đồng bộ trong việc quy hoạch các ngành nghề nhạy cảm (mát xa, nhà hàng, khách sạn, karaoke…). Có nơi, một địa phương nhỏ mà đến 80 khách sạn. Việc nở rộ như vậy, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dễ xảy ra biến tướng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM quản lý lao động mại dâm hiện nay như thế nào?
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết lại cho rằng: Mại dâm không chỉ làm suy đồi về đạo đức, mà còn làm gia tăng các căn bệnh liên quan đến đường tình dục, ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc phòng chống mại dâm của TP.HCM dường như giống “bắt cóc bỏ dĩa”. Mại dâm nam cũng đang ngày càng nổi lên tại TP.HCM.
Đại biểu Tuyết chất vấn: “Trách nhiệm của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM như thế nào trong việc này, quản lý ra sao? Có giải pháp gì để hạn chế?”
TP.HCM khẳng định không xem mại dâm như là một nghề nghiệp (ảnh minh họa từ internet)
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM nêu quan điểm: “TP.HCM không xem mại dâm như là một nghề nghiệp”.
Lãnh đạo cơ quan này cũng thừa nhận, mại dâm tại TP.HCM ngày càng phức tạp, tinh vi, với nhiều hình thức biến tướng, trá hình, không chỉ đơn giản là giữa kẻ bán – người mua, mà hiện nay còn có khiêu dâm, kích dục, mại dâm nam, mại dâm đồng tính.
“Hiện chưa có văn bản nào quy định xử lý những loại đối tượng này” – ông Dũng nhấn mạnh.
Qua đó, người đứng đầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng đã đề xuất các biện pháp nhằm xử lý, hạn chế tệ nạn mại dâm như hiện nay. Cụ thể, nếu người bán dâm có hộ khẩu tại TP.HCM thì lập hồ sơ báo về địa phương nơi cư trú, xử phạt hành chính; còn nếu ở tỉnh thì đưa vào các trung tâm giới thiệu việc làm, hỗ trợ, giáo dục, đào tạo nghề.
Ngoài ra, nếu đối tượng này có nghề nghiệp ổn định thì sẽ làm biên bản, báo về cơ quan nơi làm việc. Nếu là người mẫu, các hoa hậu có danh hiệu sắc đẹp sẽ đề nghị tước danh hiệu, cấm hành nghề trong một thời gian.
Nếu bán dâm có nghiện ma túy sẽ đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy, xử lý đúng theo luật phòng chống ma túy.
Đồng thời, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng đề xuất xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, trợ giúp pháp lý để người bán dâm hoàn lương; trợ giúp về mặt sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề.
Cơ quan này cũng sẽ đề xuất với UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng phối hợp, tăng cường quy hoạch, quản lý thật kĩ các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm.
Hiện, TP.HCM đã thành lập đoàn kiểm tra phòng chống tệ nạn mại dâm, giao cho Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội hoàn toàn có thẩm quyền xử phạt các hình thức vi phạm liên quan đến mại dâm.
Khẳng định của ông Trần Trung Dũng cho thấy, nếu cứ "chà đi, sát lại", thường xuyên kiểm tra thật 65 tụ điểm nhạy cảm trên nhiều tuyến đường thì sớm muộn gì cũng sẽ giảm hay hạn chế tối đa tình trạng mại dâm phát triển.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ quan điểm: “Nhiều tụ điểm mại dâm đã hoạt động trong một thời gian rất dài, mà địa phương nào cũng có bộ máy hoạt động xuyên suốt từ phường đến quận, mà không phát hiện ra được thì đúng là sự phối hợp hoạt động còn chưa tốt, có sự lỏng lẻo”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh rằng trong thời gian sắp tới, sự phối hợp này cần được chặt chẽ hơn nữa, tập trung làm mạnh, không để tình hình ngày càng thêm phức tạp.
“Là Thành phố trung tâm mà để tình hình phức tạp như vậy, chúng tôi hoàn toàn không thể nào yên tâm” – bà Tâm kết luận.
Việt Dũng
Bình luận