• Zalo

TP.HCM học kinh nghiệm chống ngập của Thái Lan

Thời sựThứ Bảy, 21/04/2012 05:11:00 +07:00Google News

(VTC News) – UBND TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP hoàn chỉnh đề án chủ động phòng ngừa ngập lụt tại thành phố có tham khảo

(VTC News) – UBND TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP hoàn chỉnh đề án chủ động phòng ngừa ngập lụt tại thành phố có tham khảo kinh nghiệm của Bangkok (Thái Lan) để báo cáo Thường trực Thành ủy thông qua trong tháng 5/2012.

Theo đó, đề án sẽ được nghiên cứu, bổ sung thêm các điểm tương đồng và khác biệt giữa Bangkok và TP.HCM về điều kiện tự nhiên (địa hình, hệ thống sông, kênh rạch, dòng chảy…); điều kiện kinh tế xã hội (diện tích, dân số, phân bố dân cư, bố trí các nhà máy, khu công nghiệp…); hệ thống công trình thoát nước và thủy lợi; các biện pháp hỗ trợ ứng phó nếu có xảy ra ngập lụt (đường trên cao, khả năng dự trữ lương thực…).

Một cảnh mưa, ngập đường tại khu vực gần cầu Bình Triệu 

Song song đó, UBND thành phố cũng yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị báo cáo đánh giá tác động đối với hệ thống metro nếu có lũ lụt xảy ra, đồng thời xây dựng các biện pháp phòng tránh, ứng phó. UBND các quận – huyện được giao tăng cường tuyên truyền vận động, kiên quyết xử lý các vi phạm về lấn chiếm, san lấp kênh rạch hoặc đổ rác gây cản trở dòng chảy…

Trong hội nghị sơ kết chương trình chống ngập giai đoạn 2011 – 2015 diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, PGS. TS Hồ Long Phi, Phó ban điều phối chương trình chống ngập thành phố cho hay, chương trình chống ngập chủ yếu dựa vào các công trình chống ngập mà thành phố đang triển khai vẫn chưa bền vững, cần quy hoạch các hướng tiêu thoát nước dự phòng, tránh bê tông hóa các vùng trũng thấp.

Đối tượng uy hiếp lớn nhất của thành phố không phải là triều cường hay nước biển dâng mà là những trận bão lớn có thể xảy ra trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai vào cuối mùa mưa, trùng với mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó, hồ chứa nước thượng nguồn thì đầy, lượng mưa thì cao đột biến, nếu không có phương án dự phòng tiêu thoát tốt thì thành phố có thể chịu một trận ngập lụt khủng khiếp như ở Bangkok trong năm 2011.

Cũng theo ông Phi, các quy hoạch phải được khuyến khích phát triển xuống các vùng đất thấp và sau đó bảo vệ những khu vực này bằng hệ thống đê bao chứa đựng rất nhiều rủi ro. Chỉ cần một biến cố vượt quá khả năng thiết kế của đê bao hoặc những trục trặc, hư hỏng phát sinh trong quá trình vận hành cũng đủ gây ra những thiệt hại không thể lường trước.

Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố lấy trận lụt lịch sử xảy ra vào cuối năm 2011 ở Thái Lan với 815 người chết, 13 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế ước chừng 45 tỉ USD để nghiên cứu, phòng ngừa. Trận lụt cũng cho thấy sự cần thiết phải thay đổi chiến lược ứng phó thiên tai.

UBND TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố hoàn chỉnh Đề án chủ động phòng ngừa ngập lụt tại TP.HCM để báo cáo Thường trực Thành ủy thông qua trong tháng 5. Theo dự kiến, đến tháng 6, thành phố sẽ tổ chức đoàn công tác sang Bangkok để nghiên cứu thực tế và trao đổi kinh nghiệm phòng chống ngập lụt.

Quỳnh Mai – Văn Thanh

Bình luận
vtcnews.vn