Sáng 7/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo TP HCM, bàn về công tác phát triển giáo dục của TP. Buổi làm việc có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo các sở, ban ngành, đại diện trường đại học.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết chương trình giáo dục còn hàn lâm, quá tải, chưa phân phối hợp lý, khiến học sinh áp lực, học nhiều. Tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn. Số lượng trường học có nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân bóng… chưa cao
Một số trường học có diện tích sân chơi nhỏ ảnh hưởng sinh hoạt, vui chơi của trẻ. Trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư nhưng tỷ lệ thiết bị trên học sinh không cao, vì thế thời lượng dành cho mỗi học sinh không cao.
Ông Lê Hồng Sơn đề xuất Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho phép ngành giáo dục và đào tạo thành phố cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai giải pháp mang tính đột phá.
TP HCM đề xuất tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển dựa trên khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: Một số môn học bắt buộc (Văn - Tiếng Việt, Toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng 8 môn trong một năm.
Ông Sơn cũng đề nghị cho phép học sinh các trường, lớp chuyên được thi lấy tín chỉ một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản.
Đặc biệt, UBND TP.HCM cũng đề xuất từ năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giao cho TP HCM quyền công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết TP.HCM mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cơ chế thí điểm, tăng cường cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong giáo dục, đào tạo.
Ông Thăng nhấn mạnh TP.HCM có khoảng 13 triệu dân, nếu như các mô hình mà thành phố thực hiện thí điểm thành công, thì áp dụng chung cho cả nước cũng sẽ thành công.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định chủ trương hiện hành của nhà nước là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ TP.HCM biên soạn SGK. Ngoài yêu cầu chung về chương trình của Bộ, TP.HCM hoàn toàn có thể lồng ghép các thông tin về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của thành phố.
Bộ trưởng Nhạ cho biết sẽ xem xét phương án giao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.
Bình luận