Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64 km, có chức năng gánh số lượng lớn phương tiện giao thông đi qua khu vực TP.HCM mà không phải xuyên tâm TP.
Đến nay sau hơn 10 năm, Vành đai 2 đã khép kín được 51 km với các đoạn từ cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức) trên quốc lộ 1 đến vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh); đoạn từ nút giao Bình Thuận (đường Nguyễn Văn Linh với đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, huyện Bình Chánh) đến cầu Phú Hữu (quận 9). Hiện còn hơn 13 km với bốn đoạn chưa hoàn thành.
Đoạn 1, 2: Thi công quý II-2020
Tuyến Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,75 km sẽ hoàn thành vào năm 2020. Ba đoạn 1, 2, 4 còn lại dù rất gian nan nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP cùng quyết tâm cao của các đơn vị trong ngành thì khả năng hoàn thành, khép kín Vành đai 2 có thể đạt vào năm 2022, 2023.
Phó Giám đốc điều hành Sở GTVT TP.HCM TRẦN QUANG LÂM
Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao Bình Thái, quận Thủ Đức) dài 3,82 km, rộng 67 m; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến ngã ba Linh Đông (đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức) dài 2 km, rộng 67 m.
Theo Sở GTVT TP, năm 2019, các sở, ngành, quận phải tập trung quyết liệt giải quyết hàng loạt đầu việc để sớm triển khai thi công đoạn 1 và 2 nói trên. Cụ thể, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành vào quý III-2019; chi trả tiền bồi thường giải tỏa và tổ chức thi công quý II-2020…
“Các đầu việc trên sẽ được đẩy nhanh hơn nếu Chính phủ sớm ban hành quy định về sử dụng tài sản công (đất) để thanh toán cho nhà đầu tư BT và các bộ, ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn” - ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng KH&ĐT, Sở GTVT TP, cho biết thêm.
Đoạn 3: Năm 2020 sẽ hoàn thành
Những ngày này trên công trình xây dựng đoạn 3 của Vành đai 2 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quận Thủ Đức dài 2,75 km) khá sôi động.
Tại các cầu Cây Keo, Ông Việt…, các trụ cầu đã được làm xong, chỉ còn chờ lao lắp dầm. Sàn giảm tải, vách chắn đường dẫn lên các cầu này đã trải thép hoặc đổ bê tông xong để chuẩn bị bước qua giai đoạn đổ đất, lu lèn nền đường… Đặc biệt, trên hai làn đường hai bên, mỗi bên rộng 10,5 m đã được lên nền.
Báo cáo giữa tháng 3/2019 của Sở GTVT TP cho biết đoạn này được chính thức khởi công hồi cuối tháng 12/2017 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Đến nay tổng khối lượng xây dựng của đoạn này đã đạt trên 40%. Khó khăn lớn của đoạn này là đến nay quận Thủ Đức mới bàn giao được khoảng 43% diện tích mặt bằng.
“Năm 2019, có ba đầu việc phải làm với đoạn này là bàn giao xong mặt bằng; hoàn thành các thủ tục thanh toán quỹ đất BT cho nhà đầu tư và đẩy tiến độ làm cầu, đường để hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 vào cuối năm 2020” - báo cáo của Sở GTVT nhấn mạnh.
Đoạn 4: 4.200 tỉ đồng để bồi thường, giải tỏa
Đoạn 4 từ nút giao thông An Lập (ngã ba Hồ Học Lãm - quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh, quận Bình Tân dài 5,3 km, rộng 60 m. Cho đến nay đoạn này chưa có nhà đầu tư chính thức.
Trước đây có một số nhà đầu tư đã nhắm đến đoạn này nhưng sau đó bỏ cuộc. Lý do, đoạn 4, nhất là từ ngã ba An Lập chạy theo đường Hồ Học Lãm đến giao lộ Võ Văn Kiệt đã định hình rõ nét, ổn định nhà ở đô thị nên việc bồi thường giải tỏa cho đủ lộ giới 60 m là cực khó, cực lớn tiền.
Cập nhật mới nhất cho biết các nhà đầu tư chỉ muốn làm một phần 3,2 km/5,3 km của đoạn 4 từ Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Linh. Đoạn này nằm trên địa bàn quận 8, hiện còn khá trống trải, xen cài giữa đất đô thị và đất nông nghiệp nên chi phí bồi thường giải tỏa thấp, lợi nhuận tiềm năng khi con đường hình thành cao hơn.
Thông tin mới nhất từ Sở GTVT TP cho biết TP chủ trương dùng ngân sách hơn 4.200 tỉ đồng để thực hiện bồi thường giải tỏa đoạn 4. Phía nhà đầu tư sẽ bỏ ra gần 1.860 tỉ đồng để làm đường, cầu. “Đây là phương án hợp lý để gỡ vướng cho đoạn 4 nhằm toàn tuyến Vành đai 2 có thể hoàn thành khép kín vào khoảng năm 2022-2023” - ông Toàn cho biết.
Hàng hóa sẽ tỏa về miền Đông, miền Tây
Đến nay Vành đai 2 đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) đến gần cầu Phú Hữu (quận 9) đã nối thông với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Bản thân đoạn này (với tên mới là đường Võ Chí Công) đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng hơn 93%, chỉ còn vướng mặt bằng 300 m.
Trong khi đó, tại Khu công nghệ cao phía giáp với cầu Phú Hữu, mạng đường nội bộ đang được gấp rút xây mới, mở rộng. Nếu đoạn 1 của Vành đai 2 sớm hoàn thành thì sẽ hích tiến độ xây dựng các nhà máy, công ty trong Khu công nghệ cao. Đồng thời hàng hóa từ Khu công nghệ cao có nhiều đường lựa chọn lên xuống cảng Cát Lái, Phú Hữu hoặc tỏa về miền Đông, miền Tây theo Vành đai 2 khép kín, thông suốt.
Bình luận