Sáng ngày 27/4 dòng người và phương tiện ùn ùn dời Sài Gòn đi chơi lễ, về quê thăm gia đình đã gây áp lực khiến nhiều tuyến đường ùn tắc, kẹt xe.
Kẹt xe nghiêm trọng nhất có thể kể đến các tuyến đường Xa lộ Hà Nội, các đường dẫn vào cảng Cát Lái như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, đường Quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn qua bến xe miền Đông…
Dòng phương tiện nối đuôi nhau trên Xa lộ Hà Nội (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Ghi nhận trên Xa lộ Hà Nội đoạn qua Suối Tiên dòng phương tiện ken kín nối đuôi nhau xếp hàng dài di chuyển rất khó khăn.
Có mặt tại khu vực đoạn từ cầu vượt Trạm 2 đến khu vực cầu Đồng Nai PV VTC News ghi nhận tình hình giao thông qua đây bị tê liệt hoàn toàn theo hướng TP.HCM đi ngã tư Vũng Tàu.
Nhiều tuyến đường nội thành khác cũng bị ùn tắc cục bộ (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Tại khu vực đường Đồng Văn Cống các phương tiện xếp hàng dài hơn 5km theo hướng TP.HCM qua Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tương tự là đường Nguyễn Thị Định, thậm chí có xe chạy áp sát vào lề đường tuy nhiên vẫn không thể thoát khỏi tình trạng kẹt cứng do lượng phương tiện tăng đột biến.
Các đường dẫn vào phà Cát Lái tê liệt (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Chị Trần Thị Kim Giá (Q.2) than thở, “Biết hôm nay người dân sẽ ùn ùn đổ về quê chơi lễ nên tôi đã tranh thủ đi từ lúc 5 giờ, thế nhưng khi đến khu vực cầu Giồng Ông Tố thì bị mắc kẹt”.
Để thoát khỏi đoạn đường chừng 6km từ cầu Giồng Ông Tố đến phà Cát Lái chị phải đi mất 3 giờ đồng hồ.
Tăng chuyến nhưng vẫn quá tải
Theo ông Thượng Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết, dự kiến lượng có thể tăng lên từ 40.000 - 50.000 lượt người. Bến xe đã huy động hàng chục xe buýt chờ sẵn để phục vụ hành khách nếu xảy ra tình trạng quá tải, đảm bảo khách sẽ có vé về quê.
Từ sáng sớm hàng ngàn người kéo đến bến xe miền Đông chực chờ mua vé (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Từ sáng sớm các tuyến xe buýt về bến xe miền Đông đã đông nghẹt khách, hàng ngàn người dân kéo đến tập trung đông tại các quầy vé để chen chúc nhau mua vé.
Hành khách chủ yếu là sinh viên, công nhân từ các tỉnh thành lân cận địa bàn TP.HCM như khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ như Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Vũng Tàu…..
Chen chúc, rồng rắn mua vé (Ảnh: Phạm Nguyễn) |
Theo Xí nghiệp phà Cát Lái, dự kiến lượng khách qua lại giữa quận 2 (TP HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) trong dịp lễ tăng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến phà sẽ chạy khoảng 265 chuyến phà/ngày, tăng thêm 70 chuyến, đạt khoảng 70.000 - 80.000 lượt người/ngày.
Tại khu vực chờ mua vé qua phà dòng người và phương tiện ken kín nối đuôi nhau xếp hàng dài cây số để qua phà. Nhà phà phải huy động nhiều nhân viên liên tục xé và bán vé cho khách nhưng cũng không giải tỏa được lượng người tăng cao.
Hành khách tại bến xe miền Tây chiều ngày 27/4/2013 (Ảnh: Phan Cường)
Xe dù lộng hành
Do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong những ngày dịp lễ, nhất là kỳ lễ 30/4 nhân ngày Giải Phóng hoàn toàn miền Nam cùng với ngày 1/5 - Ngày quốc tế lao động kéo dài 5 ngày nên đây là thời cơ để các tài xế xe “dù” lộng hành.
Lơ xe đang chèo kéo hành khách (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Ghi nhận phóng viên do các bến xe quá tải, việc tìm kiếm cho mình các tấm vé về quê rất khó khăn bên cạnh đó là phải chịu cảnh chen lẫn rất phức tạp khiến một số người tìm chọn những địa điểm dọc trên quốc lộ để đón bắt xe dù.
Chính vì thế tình trạng giao thông trên tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua ngã tư Bình Phước, khu chế xuất Linh Trung, khu vực cầu An Sương, dọc quốc lộ 22 đoạn qua bến xe An Sương, đường Kinh Dương Vương (đoạn qua bến xe miền Tây) trở nên nhốn nháo và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.
Xe "dù" ngang nhiên dừng đậu trên đường để bắt khách (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Để tranh thủ thu lời trong dịp lễ này nhiều tài xế bất chập nguy hiểm thản nhiên cho xe vô tư tấp lề, lôi kéo khách dọc lộ trình di chuyển mặc cho trên xe đã đầy ắp. Và tình trạng đi xe dù khiến không ít người dân bị “chém” đẹp, người tham gia giao thông thì phải ám ảnh do tai nạn giao thông luôn chờ chực.
Phạm Nguyễn - Phan Cường
Bình luận