• Zalo

TP.HCM đã sẵn sàng thực hiện nghiêm Nghị định 34

Thời sựThứ Tư, 19/05/2010 01:42:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Mọi công việc chuẩn bị, cắm mốc biển báo ranh giới nội thành và ngoại thành, kẻ lại các vạch sơn theo đúng quy định của NĐ 34 của CP đã hoàn tất".

(VTC News) – “Mọi công việc chuẩn bị, cắm mốc biển báo ranh giới nội thành và ngoại thành, kẻ lại các vạch sơn theo đúng quy định của Nghị định 34 của Chính phủ đã hoàn tất đúng với thời gian quy định…”

Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an TP.HCM (PC 26) Võ Văn Vân vừa cho VTC News biết vào sáng 19/5.

Theo đó, tính đến sáng 19/5, đánh giá của PC 26 và Ban ATGT TP.HCM cho biết, TP.HCM đã sẵn sàng cho việc thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày mai (20/5). Lãnh đạo PC 26 TP.HCM cũng đã có yêu cầu xuống toàn bộ các Đội, Trạm trực thuộc và lực lượng CSGT 24/24 quận huyện của TP kiên quyết xử lý nghiêm khắc toàn bộ các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ kể từ ngày mai.

Các điều khoản, điểm mới của Nghị định 34 cũng đã được Ban ATGT biên soạn thành cuốn cẩm nang dễ nhớ, dễ thuộc phổ biến xuống tận các tổ dân phố, các quận huyện. Qua khảo sát của VTC News vào sáng 19/5, toàn bộ các tuyến đường trung tâm, có mật độ xe cơ giới lưu thông cao của TP cũng đã được treo các băng rôn giới thiệu các điểm mới của Nghị định này cho người tham gia lưu thông đọc.

Hàng ngàn băng rôn tuyên truyền về các quy định mới của Nghị định 34 đã hoàn tất treo tại các cây xanh ở các tuyến đường TP.HCM (ảnh chụp sáng 19/5: N.D) 

Tuy nhiên, khẳng định với chúng tôi, đại diện PC 26 cho biết, việc xử phạt xe ôm không có biển hiệu, trang phục theo quy định (mức phạt cảnh cáo hoặc từ 40.000 – 60.000 đồng) là chưa thể thực hiện ngay được. Theo lí giải của Thượng tá Vân, TP.HCM là một TP lớn nhất nước, số dân nhập cư từ các tỉnh là rất nhiều, trong đó có không ít người đang hành nghề xe ôm.

“Hiện chúng tôi đang vận động những người hành nghề xe ôm đi đăng kí đúng theo quy định, chứ việc xử phạt lúc này khó mà thực hiện ngay được vì còn phải chờ các văn bản hướng dẫn thực hiện từ UBND TP.HCM…”

Một khó khăn khác trong việc thực hiện Nghị định 34 của TP.HCM, hiện toàn TP chưa có xe đạp điện nào được đăng kí lấy biển số. Do vậy, kể từ ngày mai, nếu xe đạp điện vi phạm luật giao thông sẽ giam xe. Sau đó, chủ xe phải lên cơ quan CSGT trình các giấy tờ mua bán xe, chứng minh mình là chủ xe, nộp phạt thì mới có thể lấy được xe về.

TP.HCM đã sẵn sàng xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông theo quy định của NĐ 34 kể từ ngày 20/5 (ảnh: N.D) 

Nghị định 34 của Chính phủ quy định các xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, các mức phạt đều tăng từ 50 – 150% so với Nghị định 146 hiện đang áp dụng. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là 2 TP lớn nhất nước được phép phạt mức phạt cao hơn mức phạt chung của cả nước từ 40 – 200%.

Từ ngày mai (20/5), người điều khiển ô tô ở hai thành phố là Hà Nội và TPHCM không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ…) sẽ bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng (trước đây mức phạt từ 200.000 - 400.000 đồng).

Với người điều khiển mô tô, xe máy nếu không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe và không có giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bị phạt từ 60.000 - 80.000 đồng (trước đây, hành vi này là 40.000 - 60.000 đồng).

Người tham gia giao thông bằng xe máy đội nón bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy định cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Với xe khách chở vượt số người quy định sẽ phạt từ 200.000 - 300.000 đồng trên mỗi hành khách chở dư, trước đây là 100.000 đến 300.000 đồng. Riêng hành vi sang nhượng khách dọc đường nhưng không được hành khách đồng ý sẽ bị phạt tới 2 triệu đồng, gấp bốn lần so với mức phạt 500.000 đồng trước đây. Người đi bộ vi phạm (không đi đúng phần đường quy định...) cũng bị tăng mức tiền xử phạt 1,5 lần, từ 40.000 lên đến 60.000 đồng.

Với người chiếm dụng đường bộ để họp chợ, mua bán hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng, tăng gần 10 lần so với mức phạt 50.000 đồng trước đây. Khi dừng xe, mở cửa ô tô không bảo đảm an toàn và gây ra tai nạn trong nội thành, mức phạt sẽ từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng. Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế ở nội thành sẽ bị phạt 800.000 đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày...

Với lực lượng lái taxi, không sử dụng đồng hồ tính cước cho khách sẽ bị phạt 150.000 đồng, không có hộp đèn “Taxi”, không có đồng hồ tính cước hoặc đồng hồ sai quy định, xe taxi không có màu sơn, biểu trưng, số điện thoai giao dịch hoăc không đúng khi đăng ký thì  bị phạt 2.500.000 đồng. Phạt từ 300.000 – 500.000 đồng đối với taxi dừng, đón và trả khách không đúng nơi quy định.

Như vậy, bắt đầu kể từ ngày 20/5, tất cả các công dân hiện đang sống tại TP.HCM hay Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung khi tham gia lưu thông, cần phải nghiêm túc chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông đường bộ nhằm tránh bị CSGT xử phạt khi áp dụng Nghị định 34.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn