Từ năm 2013 đến nay thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng mạnh, lợi nhuận từ bất động sản gần như đạt tới đỉnh cao. Trước nguồn lợi nhuận dồi dào đó, người người, nhà nhà chuyển qua làm bất động sản.
Tuy nhiên, đến hiện tại, sau nhiều năm đứng ở tăng trưởng nóng, thị trường bất động sản TP.HCM đang bắt đầu "co cụm". Những người từng "đua" trong "trường đua" siêu lợi nhuận ngày ấy phải ngậm ngùi rút lui.
Tinh giảm hàng nghìn nhân sự
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, nhiều doanh nghiệp buộc phải tinh giảm nhân sự nhằm khắc phục bài toán kinh tế. Điều này khiến hàng nghìn nhân viên sale và nhân viên hành chính bế tắc khi bị cho nghỉ việc đột ngột.
Điển hình, Công ty giao dịch Bất động sản T.P (quận Bình Tân) mới đây đã buộc phải tinh giảm hơn 50% nhân viên sale của đơn vị. Nguyên do cũng vì thiết hụt nguồn cung.
"Thật sự, hiện công ty đang rất "đói" nguồn hàng, không có hàng bán. Đây là thực trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM hiện nay. Trước khó khăn này chúng tôi buộc phải tinh giảm biên chế, cắt bỏ 50% nhân sự chủ yếu là nhân viên bán hàng (sale)", giám đốc Công ty giao dịch Bất động sản T.P nói.
Tại Công ty Bất động sản Hoàng Thiên Thanh (quận 2, TP.HCM), doanh nghiệp này cũng đang "loay hoay" đổi chiến lược.
"Không doanh nghiệp nào lại muốn mình rơi vào thế khó, nhưng hiện nay dường như không còn lựa chọn, tất cả doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang buộc phải chọn đường đi khó nhất.
Trước đây, công ty chúng tôi luôn đặt quyền lợi của nhân viên rất cao, cụ thể là việc trả lương đúng hạn, đi du lịch, tiền thưởng vào các ngày lễ... Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi buộc phải "cắt" hết các khoản đó, kể cả tiền lương. Dường như nhân viên cũng hiểu được nỗi khó của công ty khi không có nguồn hàng để bán thì không thể có tiền chi trả, nên ít ai phàn nàn", đại diện Công ty Bất động sản Hoàng Thiên Thanh nói.
Cũng theo đại diện Công ty Bất động sản Hoàng Thiên Thanh, hiện doanh nghiệp đang tập trung về các tỉnh vùng ven, đặc biệt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm cách "giải cứu" cho chính mình.
Một tập đoàn bất động sản có tiếng (dấu tên) tại TP.HCM cũng ngậm ngùi kêu khó: "Trước đây, số tiền lương thưởng một tháng để chi trả cho nhân viên lên đến vài chục tỷ đồng. Thế nhưng, hiện không có nguồn hàng, nhân viên không có việc nên chúng tôi buộc phải tinh giảm hơn 1000 nhân viên để giảm khó khăn về tài chính. Biết điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều nhân viên nhưng thật sự doanh nghiệp chúng tôi cũng không còn cách nào khác".
Nói về vấn đề này, anh Hoàng Viết Lãm (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM), một nhân nhân viên sale vừa bị buộc nghỉ việc than thở: "Tôi không quá xuất sắc trong việc sale sản phẩm bất động sản, nhưng công việc này vẫn là công việc chính của tôi. Tôi gắn bó công việc này đã 3 năm, từ hồi còn sinh viên năm 2, vì thấy dễ kiếm tiền nên tôi đã bảo lưu kết quả học tập tại trường một năm để đi làm sale.
Cứ tưởng công việc này sẽ ổn định, thế nhưng bây giờ bỗng phải nghỉ việc làm tôi không biết xoay sở thế nào. 3 năm nay tôi chỉ tập trung vào tìm hiểu bất động sản, không theo chuyên môn ngành học của mình, giờ thị trường bất động sản chững lại làm tôi không biết đối mặt thế nào trước tình trạng thất nghiệp".
Thị trường bất động sản gặp khó, các doanh nghiệp đồng loạt tinh giảm nhân sự khiến hàng nghìn nhân viên rơi vào cảnh bế tắc. Đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp vì muốn nhanh chóng giải quyết được bài toán kinh tế nên đã bất chấp dành giật các sản phẩm chưa được cấp phép, điều này báo động rủi cho cho chính doanh nghiệp và cả khách hàng khi "xuống tiền".
Không có hàng để bán
Nhiều chủ đầu tư bất động sản tại TP.HCM cho biết hiện các dự án mới bị ngưng trệ vì không được ký, không phê duyệt.
"Gần như không có ai làm việc, không ai dám ký tá gì cả. Hồ sơ ách tắc lại hết ở các sở ngành", đại diện một công ty bất động sản có tiếng ở TP.HCM cho hay.
Theo chân anh Hạnh một nhân viên làm hồ sơ của một công ty BĐS đến nộp hồ sơ xin cấp phép dự án căn hộ mới chúng tôi thấy hàng loạt hồ sơ chất chồng cao vượt mặt nhân viên xét duyệt. Người đi nộp hồ sơ này nói: "Nhiều tháng trước em nộp hồ sơ xin cấp phép dự án căn hộ mới để triển khai. Dù đã có quy hoạch 1/500 nhưng đến nay vẫn ách tắc. Hỏi các anh chị ở đây cho xin lại hồ sơ họ cũng không thể tìm được vì hồ sơ ách tắc về bất động sản chất chồng như núi".
Phó chủ tịch HĐQT một công ty BĐS lớn tại TP.HCM cho biết, nhận diện được tình hình nên từ đầu năm 2018 doanh nghiệp này đã tích cực săn tìm các dự án đã có sẵn quy hoạch 1/500, có giấy phép đầy đủ nhưng gần như "mò kim đáy bể".
"Chúng tôi đã buộc phải cắt giảm gần cả ngàn nhân sự do bế tắc về nguồn cung. Đây thực sự là một diễn biến không mong đợi đang xảy ra ở thị trường BĐS TP.HCM", vị này nói.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2018, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố phê duyệt 124 dự án nhà ở thương mại, giảm 12,7% so với năm 2017. Trong đó, có 14 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư; công nhận chủ đầu tư 30 dự án; chấp thuận đầu tư 80 dự án. Năm 2018, UBND thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 17/25 dự án bất động sản, giảm 15% so với năm 2017.
Ở một góc độ khác, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, sự suy giảm nguồn cung bất động sản trên thị trường đang rất rõ, hiện các dự án được thông qua rất khó khăn.
Nói về nguyên nhân của thức trạng này, ông Châu cho rằng do những quy định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án đang có những chồng chéo, bất hợp lý mà trước hết là quy định về "đất ở hợp pháp".
Cụ thể, Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở quy định, doanh nghiệp phải nhận chuyển quyền sử dụng "đất ở" theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại. Chính quy định này gây cản trở các dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư mới bởi lẽ, các hầu hết các dự án này đều sử dụng chủ yếu quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng không phải 100% "đất ở".
Mặt khác, quy định này cũng mâu thuẫn với Luật Đất đai quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Châu cho rằng, đây là điểm nghẽn đầu tiên trong các điểm nghẽn của thị trường bất động sản hiện nay. Trong khi đó, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư. Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long là một trong những doanh nghiệp điển hình đang gặp trở ngại về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư dự án bất động sản.
Cụ thể, doanh nghiệp này có dự án 5,8 ha, hiện đã giải phóng mặt bằng gần hết, nhưng không thể thực hiện dự án do quy định muốn được công nhận làm chủ đầu tư, doanh nghiệp phải có 100% đất sạch và phải có sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất.
Chung cảnh ngộ, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) cũng thẳng thắn thừa nhận rằng quy định "doanh nghiệp phải có đất ở hợp pháp mới được chấp thuận đầu tư dự án" là quy định "bó chân" doanh nghiệp, gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án hiện nay.
"Nếu có đất ở hợp pháp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư thì quá vô lý. Như vậy, làm sao đầu tư những khu đô thị mới, bởi đó toàn là những khu đất nông nghiệp hoặc đất khác chứ hoàn toàn không có đất ở", đại diện Công ty Hưng Thịnh nói.
Bình luận