• Zalo

TP.HCM: Bất chấp cúm gia cầm, người dân vẫn giết mổ tràn lan

Thời sựThứ Năm, 30/01/2014 12:56:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong khi tình hình cúm gia cầm A/H7N9 đang báo động trên thế giới thì trên một số tuyến đường tại TPHCM lại diễn ra cảnh làm thịt gà tại chỗ mà không qua bất cứ khâu kiểm dịch nào.

Sáng 30 Tết, phóng viên VTC News có mặt trước nhà số 937 đường Tỉnh Lộ 10, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, nơi đây đang diễn ra hoạt động mua bán công khai sôi nổi gà thịt được cho là gà thả vườn, số lượng hàng trăm con.

Điều đáng nói, tại đây phục vụ làm thịt gà từ A đến Z, nghĩa là ban đầu khách đến chọn mua, chỉ con nào thì người bán lấy con nấy, giá 110.000 đồng/kg; tiếp đó là dịch vụ cắt cổ gà, lấy huyết tương, trộn gà vào nồi nước sôi, vặt lông, chặt thịt... đều do phía người bán đảm nhiệm hết.

Ngoài giá bán kg thì giá dịch vụ cho mỗi con gà làm thịt tại chỗ là 15.000 đồng/con. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, điểm bán gà lậu này bán cho khách gần 10 con.

Khi phóng viên VTC News hỏi, "gà bán có giấy tờ kiểm dịch an toàn gì không?", đáp lại là câu trả lời chung chung "gà thả vườn mà anh, lo gì mấy chuyện đó" (!?). 

Được biết, nguồn hàng gà thả vườn lấy từ miền Tây lên như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng cúm mới A/H7N9 là rất nguy hiểm. Tại Việt Nam, ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những tỉnh có biên giới giáp với Campuchia. 
Để phòng cả hai chủng cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, việc thực hành vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ, không sử dụng gia cầm ốm, chết, không vứt thả các gia cầm ốm, chết dọc theo các kênh mương...
“Ngay cả sản phẩm gia cầm làm sạch vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh H7N9. Vì thế, cần xử lý chế biến đúng cách như nấu chín bằng nhiệt độ thích hợp thì không có nguy cơ gây bệnh”, ông Long khuyến cáo.
Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc, virút cúm gia cầm H7N9 đã làm hàng chục người thiệt mạng tại nước này trong năm nay, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều điểm chăn nuôi, giết mổ gia cầm bị đóng cửa, cấm hoạt động.
Hình ảnh phóng viên VTC News chụp tại hiện trường "lò mổ gà" sáng 30 Tết:

Gà cột chùm, nhiều con mắt lờ đờ, không cựa quậy

Lấy huyết tương đổ vào túi ni-lông trong khi bụi bay đầy vào chén

Trộn gà vào nồi nước sôi

"Lò mổ gà" làm ngay tại nơi bẩn, hôi thối

Ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đặc tính của vi rút cúm A/H7N9 là dễ biến đổi, thích nghi cao với động vật có vú, do đó nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.

“Các chuyên gia rất quan ngại khả năng lây từ gia cầm sang người ở vi rút H7N9 còn mạnh hơn vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Thực tế dịch tại Việt Nam cũng như trên thế giới, số mắc cúm A/H5N1 rất ít. Trong khi đó, cúm A/H7N9 vẫn tiếp tục tăng lên, có xu hướng lan rộng và tỉ lệ tử vong cao hơn cả dịch SARS”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Vặt lông

Người mua đứng đợi chờ lấy gà

Khách đi đường ghé mua

Lấy gà từ lồng ra, những con gà này bán giá đắt hơn những con gà nằm trên đất, mắt lờ đờ

Bỏ lên cân kí

Dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam bởi Việt Nam có chung đường biên giới dài với Trung Quốc. Hơn nữa việc nhập khẩu, buôn bán, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm rất phức tạp. Vì vậy, có thể có gia cầm mang vi rút H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ tháng 3/2012 đến cuối năm 2013, trên thế giới ghi nhận 147 trường hợp mắc, 47 người tử vong vì cúm H7N9. Trong đó, số ca mắc ở Trung Quốc là 144 (3 ca còn lại ở Đài Loan và Hồng Kông) và số ca tử vong là 47.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác nhận rằng cúm A/H7N9 được truyền từ gà sang người. 

Bình luận
vtcnews.vn