Xác định đô thị hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong sự phát triển của TP. Thanh Hóa, trong những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh nhiều giải pháp phát triển đô thị gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Năm 2012, TP. Thanh Hóa sáp nhập 19 xã, thị trấn của 4 huyện lân cận, trước nỗi lo “nông thôn hóa thành phố”, chính quyền TP. Thanh Hóa đã đề ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn.
Trong đó, việc huy động nguồn lực của người dân, vận động nhân dân hiến đất làm đường đạt kết quả tốt, đóng góp đáng kể vào sự thay đổi diện mạo của thành phố.
Là một trong những phường điển hình của TP. Thanh Hóa làm tốt công tác vận động nhân dân hiến đất, phường Đông Cương đã huy động người dân đóng góp hàng nghìn mét vuông đất cũng như sức lực để cải tạo các tuyến đường trên địa bàn phường.
Nhiều con đường nhỏ, khúc khuỷu trước đây đã được thay thế bằng những con đường rộng, trải bê tông khang trang, đi lại thuận tiện.
Ông Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cương cho biết: “Những năm qua, cán bộ và nhân dân Đông Cương đã chấp hành vận động của cấp ủy chính quyền địa phương, xây dựng nông thôn đô thị.
Đặc biệt từ năm 2009, thực hiện nghị quyết chuyên đề, vận động nhân dân hiến đất làm đường, nhân dân đã đóng góp xây dựng, nâng cấp tu sửa đường giao thông liên thôn, liên xã và các ngõ xóm thành đường nhựa, đường bê tông. Tổng giá trị đóng góp hơn 5 tỷ đồng, giúp việc đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”.
Chủ trương hiến đất làm đường của chính quyền được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ. Đa số các hộ gia đình đều tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất (với giá thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng) để phục vụ lợi ích chung.
Ông Lê Đỗ Túc người dân Phố 5, phường Đông Cương, một trong những hộ gia đình tiên phong hiến đất chia sẻ: “Từ năm 2012, gia đình tôi đã hiến hơn 80m2 để làm đường. Bà con ở đây đều hiểu việc hiến đất mở đường là để đảm bảo đời sống tốt hơn nên ai cũng hưởng ứng.
Mình vừa thực hiện trách nhiệm của người dân, vừa mở mang đường làng ngõ xóm rộng rãi, đẹp đẽ để tương lai làm ăn thuận lợi. Có một chút thiệt thòi trước mắt nhưng vì lợi ích lâu dài cho con cháu thì mọi người đều ủng hộ”.
Có thể nói, việc vận động nhân dân hiến đất làm đường đạt kết quả tốt đã tạo tiền đề, động lực không nhỏ để TP. Thanh Hóa phát triển kinh tế, xã hội.
Trong khi nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thành phố đã chỉ đạo huy động được 892,011 tỷ đồng cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, người dân tham gia đóng góp gần 500 tỷ đồng. Nhân dân đã hiến 37.723m2 đất, tương ứng 59,990 tỷ đồng để làm đường giao thông.
Bí thư Thành Ủy TP. Thanh Hóa Nguyễn Xuân Phi chia sẻ: “Vấn đề đô thị hóa là một trong những xu thế rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng.
Năm 2012, TP. Thanh Hóa sáp nhập thêm 19 xã, thị trấn, tăng diện tích gần gấp 3 lần. Lúc này, thành phố đứng trước nhiệm vụ rất quan trọng là đô thị hóa 19 xã này, không để xảy ra tình trạng “nông thôn hóa thành phố”.
TP. Thanh Hóa đưa ra rất nhiều giải pháp, nhất là quy hoạch chung, từ quy hoạch tạo ra sức hút về đầu tư rất lớn. Cho đến nay, sau hơn 5 năm, 19 phường, xã này đều có dự án, chủ trương phát triển.
Để hòa nhập được 19 xã, thị trấn này với 17 phường, xã cũ, thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tất cả các xã này đều phải xây dựng hệ thống đường điện chiếu sáng ở các trục đường chính của xã, việc này khiến người dân đều cảm thấy phấn khởi.
Thứ hai, tất các hệ thống thu gom rác và vệ sinh môi trường phủ kín các xã, trước đây từng xã phải tự thu gom, tự chôn lấp thì đến nay thành phố sẽ triển khai toàn bộ.
Giải pháp nữa đó là cho xã mới và xã phường cũ kết nghĩa với nhau và đạt được hiệu quả rõ rệt, sau một thời gian rất ngắn thì gần như không còn phân biệt được xã nào là xã cũ, xã nào là xã mới nữa.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đô thị hóa, không thể không kể đến một vài chủ trương thứ cấp nhưng rất quan trọng như việc vận động nhân dân hiến đất làm đường, chính nhờ có sự đồng thuận của bà con nhân dân hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông đã tạo tiền đề để thành phố phát triển.
Có thể thấy rằng, việc thành phố sáp nhập 19 xã, thị trấn là rất nhanh và hiệu quả. Đến nay, việc đô thị hóa đã tăng lên và thu ngân sách của thành phố cũng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, an ninh trật tự được tăng cường. Quá trình đô thị hóa đã đạt những thành tựu rõ nét”.
Năm 2014, TP. Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I, Chủ tịch nước tặng Huân chương độc lập Hạng nhất.
Bình luận