Ngày 30/6, trải qua một tháng giãn cách xã hội và bùng phát ổ dịch COVID-19 lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay, hiện số ca mắc tại TP.HCM vượt mốc 3.000 và trở thành địa phương có bệnh nhân COVID-19 cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Giai đoạn thử thách với TP.HCM
Kể từ khi dịch bùng phát, TP.HCM đã và đang áp dụng nhiều biện pháp chống dịch khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn, số bệnh nhân đã vượt hơn 3.000 người.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế đang điều phối nhân lực tối đa, cùng với sự viện trợ của trung ương, dốc toàn lực khống chế dịch. Đây là giai đoạn thử thách năng lực của thành phố khi hàng nghìn người các lực lượng tỏa ra khắp mặt trận, từ truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị đến tiêm vaccine. Đây cũng là giai đoạn thành phố có nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt hơn trong chiến lược chống dịch.
TP.HCM hình thành các đội công tác đặc biệt khẩn cấp tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức với phương châm 5 tại chỗ. Đội đặc nhiệm này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban chỉ đạo khu vực đó.
Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa các khu vực trên địa bàn. Riêng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, thành phố giao Ban quản lý chịu trách nhiệm cao nhất.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga... Đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ một số quận, huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.
Mục tiêu xét nghiệm 5 triệu người
Thành phố đặt mục tiêu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên toàn thành phố. Hình thức là lấy mẫu gộp 10 hoặc 15 với số lượng 500.000 người/ngày. Trong 10 ngày (từ 26/6 đến hết 5/7), thành phố dự kiến lấy mẫu cho 5 triệu người.
Với 80.000 test nhanh được Bộ Y tế chi viện, TP.HCM thí điểm test nhanh kháng nguyên với người trong khu vực đã phong tỏa, đang cách ly tập trung, người làm công việc thiết yếu chống dịch và công nhân trong khu công nghiệp.
TP.HCM sử dụng test nhanh, kết hợp xét nghiệm rRT-PRC mẫu đơn, mẫu gộp để truy tìm F0 sớm nhất. Test nhanh được dùng để quét ngay tại ổ dịch, áp dụng với các trường hợp tiếp xúc gần. Người dương tính sẽ được cách ly ngay và sử dụng rRT-PCR mẫu đơn xét nghiệm. Những người âm tính được xét nghiệm mẫu gộp một lần nữa.
Xây dựng kịch bản 10.000 ca COVID-19
Trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, Sở Y tế TP.HCM xây dựng kịch bản 1.000 ca mắc, thành lập Bệnh viện dã chiến Củ Chi (300 giường) và Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), song song Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (điều trị trường hợp diễn biến nặng) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (điều trị trẻ em).
Giữa tháng 5, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xây dựng kế hoạch 5.000 ca mắc. 7 bệnh viện được phân công chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 với 2.000 giường bệnh, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở. Các đơn vị điều trị COVID-19 gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Ngày 26/6, Sở Y tế TP.HCM thành lập thêm 2 bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường gồm: Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh sinh viên (phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương) 1.000 giường và Ký túc xá Khu A, ĐHQG TP.HCM (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) 4.000 giường.
Hai đơn vị này tiếp nhận, điều trị các trường hợp mới mắc hoặc F1 trở thành F0 và F0 không có triệu chứng. Như vậy, với 2 bệnh viện dã chiến trên, TP.HCM có 10.000 giường điều trị COVID-19 tại 11 cơ sở y tế.
Bình luận