Ghi nhận tại khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM vào những ngày cuối tháng 9, rất đông phụ huynh ôm con nhỏ vào viện, chờ đợi đến lượt. Các bé đến đây phần lớn chung triệu chứng: ho nhiều, sổ mũi, thở khò khè, sốt, quấy khóc. Khoa Hô hấp 2 của bệnh viện này đông nghẹt bệnh nhi ở các phòng bệnh, nhiều trẻ đã điều trị nội trú 2 tuần.
“Các bé nay nhập viện vào nhiều, tình trạng nhìn cũng nặng lắm. Thường là các bé phải qua bên phòng hồi sức 2 nhiều do phải thở oxy. Bé nhà mình sáng nay bác sĩ bảo là tình hình đã ổn hơn. Bây giờ phải theo dõi quá trình thở, nếu thở nhanh thì vẫn phải điều trị, còn nếu thở bình thường thì sẽ được xuất viện, thì cũng chưa biết lúc nào”, chị Ngọc chia sẻ.
Theo bác sĩ CKII Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, khoảng 2-3 tuần nay, trẻ nhập viện vì các bệnh lý hô hấp tăng rất nhiều, ở cả nhóm khám ngoại trú và điều trị nội trú. Không chỉ riêng bệnh nhi ở TP.HCM mà các tỉnh thành khác cũng đổ về đây khám bệnh hô hấp, ca nặng theo đó cũng gia tăng, số giường cấp cứu thường xuyên đầy kín bệnh nhi, có lúc phải nằm ghép 2 trẻ một giường.
“Vì lý do khách quan của bệnh viện đang chuyển sang một địa điểm mới, do đó khoa Hô hấp bây giờ xếp được 45 giường, trong dó có 1 giường cấp cứu. Thời điểm bệnh đông nhất vừa rồi là lên tới 68 bệnh nhân, có nghĩa là gấp rưỡi số giường trong khoa. Còn 14 giường cấp cứu thì có khi phải cho bé nằm đôi nữa”, bác sĩ CKII Trần Quỳnh Hương.
Thận trọng theo dõi dấu hiệu nguy hiểm
Cũng theo bác sĩ Trần Quỳnh Hương, trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, số bệnh nhi bị nhiễm siêu vi với các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn cũng đã tăng nhẹ. Đến nay, số bệnh nhi tăng lên rất nhiều và sẽ kéo dài thêm đến tháng 10, tháng 11.
Bác sĩ Hương cho rằng, điều lo ngại nhất hiện nay là lây nhiễm chéo. Để ngăn ngừa, các bác sĩ sử dụng màn bằng vải để ngăn cách các giường với nhau, nhất là những phòng có bệnh nhi nặng. Bệnh viện cũng kiểm soát người chăm sóc trẻ và liên tục sát khuẩn hàng lang, giường bệnh.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, số lượng bệnh nhi tăng gấp đôi thời điểm trước. Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, từ tháng 6 đến nay, có khoảng 8.000 trẻ đến khám ngoại trú về hô hấp, trong đó riêng trong tháng 9 là 4.000 trường hợp. Đáng chú ý là nhóm bệnh nhi bị hen suyễn chiếm 20%. Hiện các khoa Nội, khoa Hô hấp đã kín bệnh nhi nội trú với khoảng 300 giường. Để đảm bảo mỗi bệnh nhi vẫn nằm 1 giường, bệnh viện huy động thêm ở những khoa khác.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, cha mẹ nên giữ ấm vào buổi tối cho trẻ khi trời lạnh và mặc đồ thoáng mát nếu trời nóng. Bên cạnh đó, cho trẻ tiêm ngừa vaccine cúm, phế cầu; uống vitamin A đầy đủ đối với trẻ dưới 6 tháng. Riêng những trẻ nào mắc bệnh thì nên nghỉ học để tránh lây cho các trẻ khác.
“Theo dõi những dấu hiệu ho, hắt hơi sổ mũi như thế nào để đi khám. Đặc biệt, theo dõi thấy trẻ thở rút lõm ngực, thở bất thường, tím tái, thở rít, bỏ ăn bỏ bú, li bì khó đánh thức, thậm chí có thể co giật thì đi vô bệnh viện ngay”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết.
Các bác sĩ cũng lưu ý, tình hình thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi để virus, vi trùng sinh sôi nhiều, ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, mùa này trẻ nhập học trở lại nên khả năng lây lan bệnh cao hơn.
Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước, hạ sốt, lau mát, rửa mũi… Đặc biệt, cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa và bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng. Phụ huynh cũng cần sử dụng quạt máy đúng cách, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ.
Bình luận