Chiều 2/12, hội nghị lần thứ 24 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị.
Tham gia thảo luận, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM thông tin, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng nội dung để UBND TP trình HĐND TP chi thu nhập tăng thêm năm 2024 từ 0,8 đến 1,5 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ vào năm 2024.
Việc chi thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cũng là vấn đề được nhiều đại biểu bàn đến tại cuộc làm việc của Đoàn ĐBQH với UBND TP.HCM vào hồi tháng 10 vừa qua.
Ngoài ra, TP.HCM đã triển khai tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Quá trình thực hiện nghị quyết, TP.HCM sẽ bổ sung 1 Phó chủ tịch HĐND và 1 Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức; bổ sung 1 Phó chủ tịch UBND ở các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn. Cùng với đó, bổ sung Phó chủ tịch UBND đối với 52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Ngoài ra, Sở Nội vụ đã có đề án trình UBND TP.HCM về phân cấp, uỷ quyền của UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM trên 5 lĩnh vực và 22 nội dung.
Đối với nội dung cải cách hành chính, TP.HCM đã thành lập Tổ Công tác cải cách hành chính; hoàn chỉnh hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM; đưa vào hoạt động Bản đồ thực thi thể chế TP.HCM từ 1/12/2023; triển khai đánh giá chỉ số DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở ngành) đối với sở, ngành và địa phương…
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm, tổng số hồ sơ thành phố tiếp nhận và giải quyết là hơn 16,5 triệu hồ sơ; trong đó nhóm thủ tục hành chính về xây dựng, đất đai, kinh doanh - doanh nghiệp khoảng 620.000 hồ sơ.
Qua theo dõi, TP.HCM nhận thấy còn tồn tại han chế như yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần do điều chỉnh bản vẽ; hồ sơ yên cầu bổ sung không đúng quy định; có sự chênh lệch khá cách biệt về tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trong lĩnh vực cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại UBND các quận, huyện.
Mặt khác, số lượng hồ sơ trễ hạn vẫn còn, khoảng 28.663 hồ sơ, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, xây dựng. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu còn chậm, cung cấp chứng thực điện tử bản sao từ bản chính còn thấp, hiện chỉ đạt 55%.
Bình luận