Sáng nay được tham gia một số hoạt động, đi chợ trở lại, ông Hoàng Văn Hán, (70 tuổi, ngụ phường Tân Hưng, quận 7) rất phấn khởi, ông đã dậy sớm để đi mua thực phẩm cho cả nhà sau những ngày ở yên trong nhà nhờ đi chợ hộ.
"Được đi chợ lại, mở cửa trở lại vui lắm, rất mừng cho quận và cho cả thành phố. Rất hoan nghênh chính quyền thành phố đã nới lỏng cho dân, dù xếp hàng lâu một chút nhưng rất vui, rất phấn khởi", ông Hán vừa treo túi hàng vào xe vừa nói.
Tuy vậy, ông Hán cũng cho rằng, dịch bệnh rất phức tạp, khó lường, "vui nhưng vẫn phải phòng", người dân rất ý thức và thực hiện nghiêm phòng dịch để bảo vệ thành quả, đồng thời góp phần để thành phố trở lại "bình thường mới".
Ngay từ sáng, chị Hồng (ngụ trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7) đã tranh thủ dọn dẹp, cọ rửa sân trước cửa hàng sau bao ngày im ắng. Chị cho biết, khi biết thành phố cho quận 7 mở cửa trở lại cả nhà chị đều rất vui. Hơn 3 tháng đóng cửa vì dịch, gia đình gặp không ít khó khăn vì mất nguồn thu nhập, nhưng giờ đã bớt lo hơn.
"Bớt lo lắm rồi, bán lại có thu nhập là mừng, bán mang về nhưng thế là vui rồi, dịch bệnh nên phải chấp nhận. Chúng tôi vẫn nghiêm túc 5K để không lây lan dịch bệnh, mong cho thành phố sớm trở lại bình thường", chị Hồng nói.
Sau 3 tháng "cửa đóng then cài", nay cửa hàng cơm tấm của anh Nguyễn Văn Tùng (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) đã "nghi ngút" khói bay. Ngày đầu mở bán lại anh đã nhận được mấy chục đơn hàng.
Theo anh Tùng, việc quận 7 kiểm soát được dịch bệnh làm người dân của quận rất mừng, bởi mấy tháng liền đóng cửa, không có thu nhập, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Là dân tỉnh lẻ đến thành phố làm ăn sinh sống, thuê trọ, thuê mặt bằng bán cơm mà nghỉ hơn 3 tháng nay, anh Tùng cũng có lúc lâm vào cảnh bế tắc.
"Tiền mặt bằng, tiền trọ đâu có được giảm mà nghỉ mấy tháng nay, mừng lắm khi mở lại luôn nhưng cũng lo dịch quay lại nên cũng phải cẩn thận, trước sau giữ gìn, tuân thủ nghiêm túc mấy quy tắc, quy định của quận, rồi của thành phố, cám ơn thành phố lắm", anh Tùng phấn khởi nói.
Từ 15/9, theo kế hoạch, quận 7 bước đầu phải phục hồi sản xuất, mở lại các dịch vụ (ngân hàng, công chứng) và kinh doanh mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men...).
Lãnh đạo quận 7 khẳng định, quận sẽ cố gắng mở cửa rất nhanh nhưng thực hiện chắc chắn và mở từng bước, không làm đại trà. Quận cũng đã xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với người dân được cấp "thẻ xanh COVID-19" (cho người tiêm 2 mũi vaccine, đủ thời gian tạo kháng thể; F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng) cũng như tiêu chí cụ thể cho nhà xưởng, siêu thị, cửa hàng nào được hoạt động trở lại.
Điều kiện cơ bản nhất để các cửa hàng dịch vụ hay cơ sở sản xuất được hoạt động lại là phải "xanh". Để được mở cửa lại, cửa hàng phải đảm bảo các tiêu chí như không có F0; tất cả nhân viên đã tiêm vaccine mũi 1, 30% mũi 2 theo tiến độ chung của quận; địa phương đó là “vùng xanh”.
Ngoài ra, các cơ sở phải đạt một số tiêu chí của quận như tổ dân phố nơi đó phải kiện toàn Tổ an sinh, Tổ y tế. Nơi kinh doanh phải có Tổ y tế hình thành trên cơ sở chính nhân viên của điểm kinh doanh đó (test nhanh 3 ngày một lần, đo thân nhiệt... cho nhân viên), phải kết nối phần mềm với Ban chỉ đạo để khi xảy ra tình huống có thể xử lý ngay.
Khi bắt đầu mở cửa, người dân ở quận 7 có thẻ xanh COVID-19 được đi lại ở những “vùng xanh” trên địa bàn quận. Địa phương đang xây dựng phần mềm để cảnh báo người có thẻ xanh không được đi đến “vùng đỏ” hoặc ngược lại.
Để kiểm soát dịch trong thời gian tới, quận 7 đang tập huấn cho người dân tự test nhanh tại nhà. Sau đó, địa phương sẽ test lại toàn bộ người dân với chu kỳ 7 ngày/lần để làm “sạch” địa bàn bằng phương pháp test nhanh và RT-PCR.
Được biết, quận 7 là một trong 3 địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế đề ra. Do đó, quận 7 đã lập trung tâm nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn bình thường mới.
Bình luận