Sáng nay (3/8), Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 họp phiên thứ 5, để đánh giá một năm hoạt động và kết quả triển khai; bàn một số giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy triển khai Nghị quyết để đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế TP.HCM.
Đổi mới cách nghĩ để thực hiện Nghị quyết 98
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, Nghị quyết 98 đưa ra rất nhiều mục tiêu xã hội hóa, huy động nguồn lực nhưng trong quá trình triển khai chưa ra được một dự án nào để thu hút tiền của doanh nghiệp, của nhà đầu tư. Do đó, cần phải có cách suy nghĩ khác, ví dụ mô hình TOD.
Nghị quyết 98 nói rất rõ 2 dự án được thực hiện là đường sắt đô thị và Vành đai 3, nhưng TP cần phải suy nghĩ phát triển TOD tại các dự án công trình mới. Trong đó, cần phải làm quy hoạch để thực hiện đồng thời chứ không phải làm giao thông xong rồi mới bắt đầu nghĩ tới TOD, bởi như thế sẽ muộn và không có quỹ đất; trước mắt là dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
TP không chờ dự án nào cả, mà phải định hướng phát triển không gian và chuẩn bị cho TOD kèm theo hạ tầng đó, phải làm trước chứ không chờ... Trong phát triển TOD còn có định hướng tách dự án bồi thường ra thành dự án độc lập để bồi thường rộng ra… Ngành quy hoạch và giao thông phải tham mưu UBND TP.HCM đề án phát triển TOD tổng thể gồm bao nhiêu dự án lớn, giải pháp cách thức triển khai…
Ông Võ Văn Hoan cũng đề nghị cần tập trung vào quy hoạch các khu vực trọng điểm, các nút giao thông lớn để thu hút đầu tư. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các hình thức đầu tư công - tư, đấu thầu quyền sử dụng đất; xây dựng quy định về bồi thường bằng hình thức hoán đổi đất cùng mục đích. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch các quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng đất đai, tài nguyên.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan mong muốn các thành viên Hội đồng tư vấn tiếp tục nghiên cứu sâu để xây dựng các hệ thống, xử lý những nội dung quy định có tính chất định hướng phát triển thành phố. Đó là đề án phát triển mô hình TOD, thị trường tín chỉ carbon, trung tâm tài chính quốc tế, BOT nội đô, các loại phí, lệ phí; đề án huy động các nguồn lực dư nợ không vượt quá 120% thu ngân sách…
Ông Hoan cũng đề nghị các sở, ngành của TP “đổi mới cách suy nghĩ”, chủ động nghiên cứu thay vì chờ đợi: "Đề nghị các sở, ngành nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết 98 và đổi mới cách suy nghĩ, tạo ra cơ chế để khuyến khích huy động nguồn lực, chứ không phải chúng ta chờ có dự án, có giống giống vậy thì chúng ta mới nghiên cứu để làm.
Từ đó đề xuất những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Sở Kế hoạch – Đầu tư, Văn phòng UBND sẽ rà lại và sẽ ghi ra những list mới, bổ sung thêm danh mục để chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện".
Nhìn thấy trước khó khăn, chủ động kiến nghị
Trước đó, nhiều ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 tập trung vào các vấn đề, như cần quan tâm cải cách hành chính hiệu quả, bởi hiện nay việc này đang làm “nản lòng” nhà đầu tư. TP.HCM cũng cần đẩy nhanh thu hút các nhà đầu tư vào các dự án BOT, BT trong nội đô bằng chính sách phân chia rủi ro rõ ràng; hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh để giảm phát thải.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác bồi thường cần tính đến phương án phân chia hợp lý giữa bồi thường bằng tiền kèm với phương thức “cổ phần hóa”, để người dân có thể hưởng lợi khi giá tăng trong tương lai.
Phó Giáo sư – Tiến sỹ Võ Trí Hảo nêu ví dụ: "Chẳng hạn chúng ta thu hồi theo TOD, nhưng sau đó chúng ta cổ phần hóa toàn bộ, giá trị quỹ đất sau khi thu hồi thì trả trước một phần cho bà con bằng tiền mặt, phần còn lại trả dần theo giá trị bất động sản tăng lên theo thời gian. Tôi nghĩ giải pháp này nếu thực hiện được thì bà con ủng hộ)".
Còn TSKH – KTS Ngô Viết Nam Sơn quan tâm đến việc làm thế nào để đạt mục tiêu xây dựng 180km đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035. Theo ông Sơn, đây là mục tiêu khó, và TP chỉ có thể làm được khi đồng thời làm 3 việc, là thay đổi tư duy, đổi mới tổ chức thực hiện và đảm bảo cơ sở pháp lý.
Thời gian còn lại là không nhiều nên cần phải huy động sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành cam kết thời gian về tiến độ rõ ràng. Nghị quyết 98 và Nghị quyết về phát triển đường sắt đô thị thực hiện theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, sẽ giúp TP định hướng phát triển tư duy. KTS Ngô Viết Nam Sơn đề nghị TP cần mạnh dạn làm tuyến metro số 1, áp dụng TOD hiệu quả và từ đó sẽ nhân ra, áp dụng cho các tuyến còn lại sẽ hiệu quả và rút ngắn thời gian.
Quan trọng nhất trong thực hiện mục tiêu 180km đường sắt đô thị là cần phải đổi mới rất nhiều nền tảng pháp lý, luật pháp từ đấu giá, thu hồi đất, kinh tế thị trường thế nào… Trách nhiệm hiện nay là phải nhìn thấy trước khi triển khai thì vướng cái gì về mặt luật pháp:
"Phải nhìn thấy trước là sắp tới, khi mà làm theo mô hình TOD mà phát triển như vậy thì chúng ta sẽ vướng cái gì về mặt luật pháp, về mặt pháp lý và ngay bây giờ mình phải vạch ra để đánh động thành phố, thành phố vận động Trung ương thay đổi để có nền tảng pháp lý, đừng để cái tình trạng là tới đó rồi vướng rồi trói tay nói luật không cho, phải ngồi chờ thôi thì như vậy sẽ ảnh hưởng hết toàn bộ tiến độ", ông Sơn nói.
Theo Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98, sau một năm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP.HCM đã ban hành khối lượng chính sách đáng kể, đây chính là tiền đề mở ra niềm tin, mở ra nhiều triển vọng vào tương lai trong giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn, cũng như vấn đề giải quyết bài toán phát triển bền vững của thành phố.
TP.HCM đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, Chính phủ ban hành nhiều văn bản, và chủ động trình HĐND thông qua một loạt các dự án và vận dụng Nghị quyết vào từng dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư, ví dụ như xây dựng đường sắt đô thị, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cũng như sự chỉ đạo thường xuyên của UBND, xử lý điểm nghẽn kịp thời.
Nghị quyết 98 mở ra triển vọng hình thành khung thể chế phân cấp phân quyền, thể chế tương đối rõ, từng bước hình thành chính quyền đô thị, từng bước xây dựng nền công vụ hiệu lực hiệu quả, tích hợp Nghị quyết 98 với các Nghị định của Chính phù và Nghị quyết của HĐND và Quyết định của UBND TP thành khung quy định về quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bộ máy hành chính TP.
Bình luận