Tại buổi họp báo chiều 21/3, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, Sở đã có quy chế phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.HCM để đảm bảo an ninh trật tự trên xe buýt. Trung tâm Giao thông công cộng TP.HCM cũng đã gửi dữ liệu về hình ảnh camera cho lực lượng công an để lập chuyên án điều tra nạn quấy rồi tình dục trên xe buýt.
Ông Hải thông tin thêm, hiện nay hầu hết xe buýt hoạt động tại TP.HCM đều được gắn 4 camera để giám sát việc tham gia giao thông, tác phong phục vụ của nhân viên và giám sát an ninh, trật tự. Các nhà chờ, bảng quảng cáo tại bến xe cũng có camera giám sát để đảm bảo an toàn cho hành khách.
"Một khó khăn trong khâu xử lý thực trạng quấy rối trên xe buýt là hầu hết hành khách còn e ngại, rụt rè trong tố giác. Nếu tố giác ngay khi bị quấy rối, hành khách sẽ nhận được sự trợ giúp từ tài xế, nhân viên xe buýt và các hành khách khác trên xe", ông Hải nói.
Ngày 11/3, một nữ sinh viên tên T. của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đăng bài trên Facebook về việc cô bị một nam thanh niên quấy rối tình dục trên chuyến xe buýt số 33 chiều 10/3. Khi cô hét lên, người kia liên tục phủ nhận hành vi của mình. Bị nữ sinh viên “chất vấn”, người này đổ lỗi là do cô “ăn mặc mát mẻ”.
Phản hồi bài viết trên, nhiều nữ sinh viên cho biết mình cũng từng là nạn nhân của nạn quấy rối. Một nữ sinh viên Trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, kể rơi vào hoàn cảnh tương tự hôm 12/3, trên chiếc xe buýt số 8. Dù trên xe còn rất nhiều ghế trống nhưng một nam thanh niên vẫn đi thẳng về phía cô.
“Khi đó tôi vừa nghe nhạc vừa chơi game nên không chú ý lắm. Lúc sau, tôi cảm nhận được có người đang táy máy tay chân với mình. Tôi hoảng sợ lắm, muốn im lặng nhưng nếu vậy thì kẻ xấu lại có động lực đi làm bậy. Tôi lấy hết can đảm và huých mạnh một cái, người đó hoảng lên rồi đứng phắt dậy bấm chuông xuống xe”, T. cho hay.
Bình luận