• Zalo

TP.HCM: Không chỉ nhân viên y tế mà cả cán bộ quản lý cũng nghỉ việc

Tin tứcThứ Sáu, 05/08/2022 15:52:00 +07:00Google News

Tổng số người nghỉ việc giảm không nhiều so với năm 2021 (306 người), nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lâp vì hầu hết họ là người có kinh nghiệm.

Thông tin này được PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tại cuộc gặp gỡ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với cán bộ, nhân viên ngành y tế thành phố, ngày 5/8.

Theo PGS Tăng Chí Thượng, TP đang đứng trước 4 nguy cơ. Thứ nhất là dịch chồng dịch; thứ 2 là nguy cơ thiếu thuốc vật tư; thứ 3 là biến động nguồn nhân lực y tế. "Không chỉ nhân viên y tế công lập nghỉ việc có xu hướng tăng mà cả một số cán bộ quản lý y tế nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau", PGS Thượng nói.

Nguy cơ thứ 4 là xuất hiện tâm trạng lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế.

TP.HCM: Không chỉ nhân viên y tế mà cả cán bộ quản lý cũng nghỉ việc - 1

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Nên gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành Y tế TP. (Ảnh Sĩ Hải)

Về tình hình biến động nhân viên y tế công lập, PGS Tăng Chí Thượng cho biết, số người làm việc năm 2021 là 42.914 người. Số người làm việc 6 tháng đầu năm 2022 là 42.608 người, bao gồm 181 công chức, 27.545 viên chức, 14.882 hợp đồng lao động. Trong đó có 8.864 bác sĩ; 1.187 y sĩ; 16.139 điều dưỡng, hộ sinh; 2.808 kỹ thuật viên; 2.718 dược sĩ và 10.892 thuộc các chức danh khác.

"Tuy tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021 (306 người), nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới cần có thời gian để thực hành, tập sự", PGS,TS.BS Tăng Chí Thượng cho hay.

Ba nguy cơ trước đó đã có giải quyết bước đầu. Riêng nguy cơ thứ 4, ngành y tế TP đã chủ động triển khai hoạt động để ổn định tâm trạng lo lắng của nhân viên y tế bằng cách các lãnh đạo ngành đã luân phiên gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Đồng thời, phối hợp chuyên gia tâm lý tư vấn cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tổ chức các cuộc thi để nhân viên y tế cùng tham gia nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

Về nhân lực điều trị, liên quan đến dịch bệnh sốt xuất huyết, hiện huyện Củ Chi đang gặp khó khăn về công tác điều trị. Trước tình hình này, sở đã yêu cầu chuyên gia các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cắm chốt để hỗ trợ bệnh viện tại Củ Chi để tầm soát ca nặng. Song song đó, hình thành các chuyên gia ở các bệnh viện hội chẩn từ xa hỗ trợ công tác chuyên môn.

Ngoài ra, còn hỗ trợ về nhân lực quản lý cho các cơ sở bị thiếu hụt. Trong đó, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã có 3 Phó Giám đốc nhưng chưa có Giám đốc. Do đó, ngành y tế đề xuất 6 vấn đề:

Thứ nhất, thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành, trước hết là chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt. 

Thứ 2, cần có cơ chế, chính sách để củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng. 

Thứ 3, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01 về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025 và có chính sách hỗ trợ lâu dài. 

Thứ 4, không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp. 

Thứ 5, có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương để đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. 

Thứ 6, kiến nghị lãnh đạo TP tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, tiếp tục củng cố quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, và nhất là vai trò điều phối, tham mưu của Văn phòng UBND TP đối với hoạt động chăm lo sức khoẻ nhân dân.

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn