Video: Nhiều hàng quán ở TP.HCM treo biển tăng giá bán
Ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới bởi giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp nhiều tháng trước đó. Tới đầu tháng 3/2022, giá gas bán lẻ tăng 3.500 đồng/kg là cú "đánh bồi" khiến nhiều hàng quán tại TP.HCM đã bắt đầu tăng giá các sản phẩm kinh doanh.
Theo nhiều chủ quán ăn, trong thời gian tới, nếu giá tiếp tục tăng mạnh thêm, họ bắt buộc phải tăng giá bán để duy trì hoạt động, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.
Chị Lê Thị Giao, chủ quán cơm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 cho biết, trước Tết, giá rau ở mức bình thường, nhưng thời gian gần đây khi giá xăng liên tục tăng thì ở chợ đầu mối giá rau cũng tăng lên.
Chị Giao lấy ví dụ, giá rau thì là tăng từ 2.000 đồng/bó nhỏ lên ít nhất là 4.000 đồng/bó nhỏ, các loại rau thơm khác cũng tăng một gấp đôi. Kể cả giá gà cũng tăng đến 15%.
"Bữa giờ tôi đã ráng cầm cự lắm rồi, nếu giá xăng và gas tiếp tục tăng thì chắc quán phải điều chỉnh lại giá. Mức giá cơm gà sẽ dao động từ 60.000đ - 65.000 đồng/phần", chị Giao nói.
Theo chị Giao, tâm lý khách hàng là khi càng khó khăn, càng "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu, nên nếu tăng giá, chắc chắn nhiều khách hàng sẽ cân nhắc đến việc tới quán của chị. Vì vậy sắp tới chị Giao sẽ ưu tiên chất lượng thức ăn tốt hơn, phần cơm sẽ được trang trí và đóng hộp cẩn thận hơn để khi đến tay khách hàng vẫn cảm thấy hài lòng.
Trước áp lực giá xăng, gas tăng tiếp tục leo thang trong thời gian qua đã khiến nhiều chủ cửa hàng nơm nớp lo sợ lỗ vốn vì chi phí đầu vào đội lên cao. Hơn 1 tuần qua, anh Đỗ Bá Thiêng (40 tuổi) chủ quán Cà Phê Đá trên đường Phạm Đình Toái (quận 3) đã phải điều chỉnh giá mới cho menu, do giá xăng, giá gas và một số nguyên vật liệu tăng cao.
Quán cà phê của anh Thiêng ngoài bán đồ uống còn là điểm ăn trưa tấp nập của các nhân viên văn phòng. Các phần cơm trưa, bò kho, hủ tiếu và mì - nui xào bò đều là món được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, từ khi giá gas tăng bất ngờ, ông chủ quán phải cân đối nhiều nguyên liệu khác để duy trì kinh doanh. Việc tăng giá mới cho bữa trưa là điều ông chủ quán Cà Phê Đá không hề mong muốn. Các món ăn tăng khoảng 5.000 đồng/món, còn nước uống tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/loại.
“Giá xăng tăng cao, kéo theo nhiều nguyên vật liệu cũng tăng theo, chi phí vận chuyển cũng tăng không nhỏ. Trước đây một bình gas 12kg chỉ 340.000 - 350.000 đồng, nhưng hiện là 480.000 - 500.000 đồng rồi. Việc tăng giá là điều quán không hề mong muốn, tuy nhiên để duy trì hoạt động của quán thì buộc làm như vậy”, anh Thiêng bày tỏ.
Theo anh Thiêng, quán được nhiều người ủng hộ vì có dịch vụ miễn phí vận chuyển thức ăn, nước uống cho khách ở khu vực lân cận. Khi xăng tăng giá anh rất đau đầu. Với đội ngũ nhân viên khoảng 30 người, anh phải cân nhắc để có giá thành hợp lý nhất.
"Chúng tôi cũng phải tăng giá để điều chỉnh lương cho nhân viên. Hiện quán có khoảng 30 nhân viên. Sinh hoạt phí tăng khiến đời sống mọi người khó khăn nên đồng lương cũng không thể như cũ. Sau khi tăng giá đồ ăn, lương nhân viên được tăng từ 10 - 20%", anh Thiêng cho hay.
Anh Thiêng chia sẻ, nếu như xăng có tăng nữa thì vẫn cố gắng giữ nguyên mức giá hiện tại (sau khi điều chỉnh), lời ít một chút nhưng mà vui vẻ cả 2 bên, khách hàng cũng thông cảm cho anh.
Tương tự, quán cơm sinh viên của anh Nguyễn Hoài Bảo (quận 8, TP.HCM) cũng tăng giá. Theo anh Bảo, quán cơm của anh mở được 4 năm, nhưng đây là lần đầu tiên anh phải dán thông báo: “Do giá gas và xăng tăng nên từ ngày 14/3, quán cơm Basa tăng lên 22.000 đồng/phần. Mong khách hàng thông cảm vì sự bất tiện này”.
Anh Bảo cho biết thực khách chủ yếu của quán là sinh viên nên việc tăng giá sẽ gây khó khăn cho sinh viên. Tăng giá nhưng vẫn phải đảm bảo 3 tiêu chí ngon, bổ, rẻ.
Bình luận