Chiều 28/2, UBND TP.HCM cho biết, đơn vị này đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, TP.HCM đã xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao.
Lực lượng dự kiến huy động, gồm: quân sự, công an, bộ đội biên phòng, y tế, hội chữ thập đỏ, lực lượng xung kích… với khoảng hơn 29.000 người. Trong đó, lực lượng quân sự, công an và lực lượng xung kích địa phương sẽ là các mũi chủ lực xử lý các sự cố. Hàng trăm phương tiện, trang thiết bị ứng phó với sự cố cũng được sẵn sàng như: 114 xe tải, 81 xe cứu hỏa các loại, 26 xe cứu hộ, 13 xe cứu thương, 67 xe chuyên dụng, 75 ô tô từ 4 - 29 chỗ…
TP.HCM là đô thị đặc biệt nằm trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai với hơn 2.000km2 và hơn 10 triệu dân. Thành phố đã và đang chịu áp lực về lượng chất thải lớn, khả năng xảy ra sự cố chất thải là hoàn toàn có thể xảy ra.
Các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao như Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi); Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa, Tham Lương - Bến Cát; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Thành phố cũng nêu chi tiết 80 cơ sở kinh doanh, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn.
Khả năng xảy ra sự cố chất thải rắn là công trình xử lý bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão làm sạt lở bãi chôn lấp gây tràn đổ chất thải ra môi trường. Đối với nước thải, khả năng xảy ra do mưa, bão bất thường làm đập, hồ chứa nước thải chưa qua xử lý bị sạt lở, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư.
Chính vì những lý do trên, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan sẽ tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải.
Bình luận