Tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 14/11, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua Nghị quyết quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn TP.HCM.
Thử nghiệm để đánh giá rủi ro, hiệu quả
Theo Nghị quyết, vị trí thử nghiệm phương tiện bay không người lái tại Khu Công nghệ cao TP.HCM; vị trí thử nghiệm xe tự hành tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Vị trí thử nghiệm phải có hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ.
Chính sách này của TP.HCM hướng đến việc tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, hiệu quả của giải pháp công nghệ.Các vấn đề pháp lý cho các giải pháp công nghệ mới sẽ được giải quyết, hạn chế rủi ro trong việc thử nghiệm. Chính sách có hiệu lực từ ngày 24/11.
Đối với phương tiện bay không người lái tham gia thử nghiệm, TP.HCM đã đưa ra một số tính năng, thông số kỹ thuật cần đáp ứng.
Trong đó, trọng lượng cất cánh tối đa của phương tiện là 70kg, tốc độ bay tối đa 100km/giờ. Việc thử nghiệm thực hiện từ 7 - 17 giờ, trong điều kiện thời tiết không mưa (hoặc mưa nhẹ), gió không quá 10m/giây.
Xe tự hành tham gia thử nghiệm có tốc độ tối đa 20km/h, điều khiển từ xa của phương tiện cần hiển thị các thông tin hành trình như chế độ, thời gian, điện áp pin, vệ tinh, tốc độ di chuyển. Khung giờ được thử nghiệm tương tự với phương tiện bay không người lái.
Thời gian thực hiện từ 7 - 17h, trong điều kiện thời tiết không mưa (hoặc mưa nhẹ), gió không quá 10m/giây.
Sáng tạo nhưng phải có kiểm soát
Trước đó, khi thảo luận về tờ trình, các đại biểu HĐND TP.HCM đặt vấn đề về nguồn chi để hỗ trợ thử nghiệm cùng vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện được áp dụng chính sách.
Một số ý kiến cũng cho rằng nghị quyết này không nên đưa ra các thông số quá chi tiết đối với các thiết bị để tránh việc phải sửa đổi chính sách sau này.
Theo đại biểu Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, việc quy định quá chi tiết thông số kỹ thuật sẽ khó để triển khai, áp dụng. Ví dụ như trường hợp doanh nghiệp muốn tăng độ dài sải cánh để phù hợp với công nghệ thì lại phải sửa quy định. Ngoài ra, nếu chỉ cho phép thử nghiệm đến 17 giờ, các phương tiện có tính năng bay đêm sẽ thử nghiệm ra sao?.
Giải trình vấn đề trên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết các điều kiện về mặt kỹ thuật được đưa ra dựa trên sự tham khảo của các phương tiện bay không người lái, xe tự hành trên thế giới và lấy ý kiến nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực.
"Các thông số được đưa ra phù hợp với thí điểm. Sáng tạo không có nghĩa là chúng ta cho phép làm gì cũng được, mà phải kiểm soát rủi ro"- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm.
Làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói việc thí điểm có kiểm soát là nội dung địa phương nhìn ra vấn đề và xin cơ chế, chính sách đặc thù. Quá trình này, địa phương đã trao đổi, xin ý kiến các cơ quan Trung ương để đi tiên phong trong vấn đề thí điểm có kiểm soát.
"Do thí điểm, chúng ta chưa thể hình dung được hết nên cần đặt ra giới hạn để kiểm soát", Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm tại phiên họp của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh thần lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng, làm động lực cho đổi mới tăng trưởng. Muốn như vậy thì cần đầu tư, chấp nhận rủi ro cho khoa học công nghệ.
Sau khi các vấn đề được chính quyền giải trình rõ ràng, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thống nhất thông qua nghị quyết trên.
Dự kiến, TP.HCM chi khoảng 5,76 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới.
Trong đó, 4,8 tỷ đồng được sử dụng để thực hiện các hạng mục phục vụ thử nghiệm tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Kinh phí còn lại được chi cho việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá kết quả thử nghiệm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.
Bình luận