Lịch sử Europa League (UEFA Cup Winners’ Cup, UEFA Cup) chỉ ghi nhận hai trận chung kết nội bộ của bóng đá Anh. Lần đầu tiên là năm 1972 và lần mới nhất vừa diễn ra cách đây vài ngày, khi Chelsea đánh bại Arsenal để trở thành tân vương của giải đấu.
Người Anh ghi dấu ấn như thế nào trong trận chung kết nội bộ tại Baku (Azerbaijan)? Trong số 22 cầu thủ đá chính của hai đội, Ainsley Maitland-Niles là cầu thủ duy nhất mang quốc tịch Anh. Thêm Joe Willock và Ross Barkley vào sân trong hiệp hai là ba người tất cả, trên tổng số 28 cầu thủ góp mặt trên sân.
Trận chung kết UEFA Champions League đêm nay cũng là một trận đấu toàn Anh, về mặt hình thức. Liverpool dùng tổng cộng sáu cầu thủ nội địa xuyên suốt từ vòng bảng nhưng chỉ ba trong số đó được đá chính thường xuyên. Con số tương ứng của Tottenham là bảy và bốn.
Không có huấn luyện viên người Anh nào góp mặt trong cả hai trận chung kết kể trên.
Lần gần nhất Champions League có một trận chung kết giữa hai đại diện Premier League là năm 2008. Manchester United tung ra sân sáu cầu thủ Anh trong đội hình chính, năm trong số đó là các tuyển thủ quốc gia. Chelsea ít hơn, chỉ có bốn người nhưng tất cả đều là những ngôi sao hàng đầu thế giới ở vị trí của họ.
Bóng đá Anh đã trải qua một hành trình kéo dài tới 11 năm để tái lập sự thống trị ở cúp châu Âu. Họ đã chứng kiến những gì trong khoảng thời gian đó? Chelsea vô địch một cách thần kỳ vào năm 2012. Còn lại là những lần đăng quang của các CLB Tây Ban Nha (bảy lần), Đức và Ý (một lần).
Trong cùng giai đoạn đó, chiếc cúp bạc EURO được người Tây Ban Nha giữ hai lần rồi trao lại cho láng giềng Bồ Đào Nha. Danh hiệu vô địch World Cup chuyển từ Tây Ban Nha sang Đức, rồi đến Pháp. Bóng đá Anh không còn là một thế lực.
Ngay cả khi hai trận chung kết Europa League và Champions League mùa này ghi tên bốn đội bóng Anh, đó cũng không phải là chiến thắng hoàn toàn của người Anh. Thống trị châu Âu không phải bóng đá Anh nói chung, mà là Premier League, giải Ngoại Hạng Anh với dấu ấn toàn cầu hóa.
Đội tuyển Anh hơn nửa thế kỷ không vô địch nổi World Cup và EURO lần nào. Các đội bóng Anh nhiều năm liền bết bát ở Champions League. Dẫu vậy, Premier League vẫn là giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất và có giá trị lớn nhất thế giới nhờ xu hướng toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi những bộ óc kinh doanh thượng thừa trong tầng lớp quản lý, điều hành giải đấu và các CLB.
Mỗi đội bóng Anh bây giờ là một đội quân "liên hợp quốc". Càng tiến lên trên đỉnh bảng xếp hạng, số cầu thủ quốc tịch Anh là trụ cột các CLB càng giảm đi. Chỉ có năm đội bóng sử dụng HLV bản địa và tất cả đều nằm ngoài top 10.
Khi bóng đá không còn là những màn "kick and rush" phô diễn sức mạnh thể chất, người Anh có lẽ cũng dần phát hiện ra họ không giỏi trong những cách biến hóa phức tạp của môn thể thao này. Thay vì tập trung công sức vào việc tạo ra các thế hệ cầu thủ bản địa giỏi hơn, những bộ não của Premier League chọn cách "nhập khẩu" văn hóa bóng đá từ nơi khác.
Tất nhiên họ cũng đủ khôn ngoan để không biến Premier League trở thành mớ tạp nham. Quy định về giấy phép lao động dành cho cầu thủ nước ngoài chơi bóng ở Anh (áp dụng từ năm 2008) là một trong những thứ được sinh ra để bảo đảm rằng giải đấu chỉ tiếp nhận những gì tinh hoa nhất. Premier League là giải đấu đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho World Cup 2018 (108 người), vượt xa La Liga (78), Bundesliga (62) và Serie A (58).
Xu hướng toàn cầu hóa được đẩy mạnh kéo theo ảnh hưởng toàn cầu của Premier League cũng tăng lên với tốc độ chóng mặt. Giá trị bản quyền truyền hình Premier League tăng phi mã qua từng giai đoạn và tất nhiên con số ở thị trường nội địa chẳng thấm tháp vào đâu so với bên ngoài lãnh thổ nước Anh.
Xu hướng này cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn trong vài năm gần đây khi số tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình trở thành bệ phóng cho các CLB xứ sương mù mạnh tay mua sắm trên thị trường chuyển nhượng. Kết thúc mùa giải 2018/19, mỗi CLB Premier League thu về hơn 43 triệu Bảng Anh (tương đương hơn một ngàn tỷ đồng) từ tiền bản quyền truyền hình quốc tế.
Tính tổng cộng tất cả các khoản tiền thưởng liên quan đến quảng cáo và truyền hình, đội bét bảng Huddersfield Town thu về gần 95 triệu Bảng, ăn đứt hầu hết các CLB ở giải Đức, Ý và Tây Ban Nha trừ Barcelona và Real Madrid.
Giống như mối quan hệ con gà và quả trứng, Premier League dùng chiến lược toàn cầu để tăng giá trị và kiếm ra thật nhiều tiền rồi lại dùng lợi nhuận đó để tái đầu tư theo cách tương tự. Với xu hướng này, bóng đá Anh sớm biến khái niệm "năm (hoặc bốn) giải đấu hàng đầu châu Âu" trở thành "Premier League và phần còn lại".
Bình luận